Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và suy thận

Trúc Anh-Chủ nhật, ngày 21/05/2023 18:27 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến

VTV.vn - Tăng huyết áp không kiểm soát sẽ gây tổn thương màng lọc cầu thận, làm suy giảm chức năng thận, dẫn tới suy thận mạn.

Vào lúc 20h ngày 18/5/2023, chương trình tư vấn trực tuyến "Điều trị tăng huyết áp và tăng huyết áp ở bệnh nhân suy thận" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã diễn ra. Chương trình thu hút nhiều sự quan tâm nhờ có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thận học - tim mạch: TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; TS. BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Huyết áp cao không kiểm soát trong thời gian dài có thể gây tổn thương, phá hủy những mạch máu trong cơ thể. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu cung cấp tới thận và những cơ quan khác. Hơn nữa, huyết áp cao còn có khả năng phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn tới suy giảm chức năng thận. Thận khi đó không thể loại bỏ những chất cặn bã, độc hại dư thừa ra ngoài theo đường tiểu. Nước bị ứ đọng quá nhiều trong hệ thống mạch máu sẽ làm tăng cao huyết áp. Trường hợp suy thận kèm huyết áp cao có thể khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng, dẫn tới biến chứng suy thận mạn.

Suy thận mạn là biến chứng nghiêm trọng nhất của những bệnh lý ở thận. Bệnh gây rối loạn điện giải, tăng huyết áp khó điều chỉnh, thiếu máu mạn tính, tích tụ độc tố. Người suy thận mạn phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, đau đớn kéo dài, suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, có nguy cơ tử vong cao.

Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và suy thận - Ảnh 1.

TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi: "Em là người bệnh đang chạy thận nhân tạo được 5 tháng. Hiện về đêm em thường bị khó thở, mệt tim, nằm ngủ không được. Do em luôn cảm giác có gì đó đang đè lên tim, phải ngồi mới thở được. Huyết áp thường ngày của em là 140/90mmHg. Xin hỏi bác sĩ khó thở kèm tăng huyết áp ở người đang chạy thận nhân tạo nên xử trí ra sao?". TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung cho biết, với các triệu chứng bạn mô tả, tôi nghĩ sẽ có hai tình huống. Thứ nhất, khi xuất hiện triệu chứng khó thở, huyết áp khi đó có thể đã tự động tăng vọt lên. Thông thường, ở người bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ nhóm người này bị kích hoạt hệ giao cảm lên tới 50%. Khi bị kích hoạt hệ giao cảm, đặc biệt là vào ban đêm sẽ khiến huyết áp tăng cao, gây ra hiện tượng khó thở, mệt tim. Thứ hai, bạn có thể bị thiếu máu. Thiếu máu ở người bệnh thận có thể làm tăng huyết áp. Nếu gặp phải tình trạng khó thở, mệt tim trong giai đoạn chạy thận nhân tạo, bạn cần phải thông báo với bác sĩ ngay. Vì huyết áp của bạn trong giai đoạn này cần được điều trị tích cực. Điều tiếp theo cần lưu ý là hồng cầu trong máu có bị thiếu nhiều không và có bị tăng hoạt giao cảm không. Ngoài ra, thuốc điều trị huyết áp cũng có nhiều nhóm. Trong đó có nhóm thuốc giúp làm chậm sự kích hoạt giao cảm, chậm nhịp tim và hỗ trợ tốt cho sức co bóp của tim. Thuốc này sẽ giúp người bệnh đỡ mệt hơn. Vì thế, với tình trạng của bạn, bạn nên nhanh chóng đi gặp bác sĩ điều trị để xác định những vấn đề đã đề cập, từ đó cải thiện các triệu chứng khó chịu khi chạy thận nhân tạo.

Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và suy thận - Ảnh 2.

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Trả lời thắc mắc: "Em là nữ, bị hẹp nhẹ mạch vành, có dày thất trái. Tình trạng đau lưng xảy ra khi em bị tăng huyết áp. Huyết áp cao trên 175/115mmHg. Năm nay, huyết áp lúc cao lúc bình thường. Nhưng em mới 35 tuổi. Vậy đau lưng có cảnh báo cho bệnh thận không?". TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến cho hay, lời khuyên cho chị là nên đi khám sớm để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp. Điều này sẽ giúp kiểm soát huyết áp về đích (130/80mmHg). Đặc biệt trường hợp có dày thất trái, khả năng cao là huyết áp đã ảnh hưởng đến cơ tim, khiến cơ tim phải hoạt động nhiều hơn, gây dày thất trái. Hơn nữa, chị có hẹp mạch vành. Điều này cho thấy có thể chị bị tăng huyết áp kèm theo những vấn đề sức khỏe khác như bệnh mỡ máu. Ngoài ra, còn xuất hiện triệu chứng đau lưng. Chị lo sợ tăng huyết áp ảnh hưởng tới thận. Đôi khi, bệnh thận sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Đau lưng cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ở thận. Tuy nhiên, phần lớn triệu chứng này sẽ liên quan tới bệnh sỏi thận. Trường hợp của chị cần đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định chị thực hiện các xét nghiệm để xác định tăng huyết áp đã ảnh hưởng tới chức năng thận chưa, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và suy thận - Ảnh 3.

TS. BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Với câu hỏi: "Em năm nay 22 tuổi, là nữ. Gần đây e có cảm thấy khó đi tiểu, bị đau buốt khi tiểu. Em cũng có triệu chứng như mẹ em (người bệnh tăng huyết áp) là lâu lâu mặt bị nóng bừng đỏ, mệt khó thở. Có phải là em vừa bị cả bệnh thận lẫn tăng huyết áp không? Người 22 tuổi như em, sinh hoạt bình thường, không có triệu chứng nào khác ngoài những triệu chứng vừa kể thì có nguy cơ bị bệnh thận và tăng huyết áp không?", TS. BSCC Mai Thị Hiền cho biết, bệnh thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng các bệnh lý ở thận đôi khi rất mơ hồ. Trường hợp của bạn là có nhiễm khuẩn tiết niệu. Tuy nhiên, bác sĩ không thể loại trừ bạn có mắc các bệnh lý thận khác hay không. Vì vậy, bạn nên nhanh chóng đi khám để được xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu, thực hiện các chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT). Qua đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán các bệnh lý thận (nếu có) ở giai đoạn sớm cho bạn, từ đó có hướng xử trí phù hợp.

Để ngăn ngừa các bệnh lý ở thận do tăng huyết áp, chúng ta nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc quản lý huyết áp. Ngoài ra, cần thực hiện lối sống khoa học như nghỉ ngơi đầy đủ, kiểm soát căng thẳng, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động, bỏ hút thuốc, không dùng các chất kích thích… Nếu có biểu hiện cao huyết áp, cần đến khám sớm tại các chuyên khoa Tim mạch, thực hiện đo huyết áp thường xuyên… để kịp thời kiểm soát và tránh biến chứng suy thận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước