Theo thống kê đến sáng 1/4, đã có hơn 150 tàu cá của ngư dân 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hoà bị sóng đánh chìm, vỡ. 3 ngư dân Phú Yên bị nạn trên biển may mắn được cứu sống sau 3 giờ lênh đênh trên sóng lớn.
Trên đất liền, riêng tại Phú Yên, hơn 12.000 ha lúa vụ Đông Xuân bị ngập úng, thiệt hại khoảng 30% tổng năng suất cả vụ. Gần 3.500 lồng nuôi trồng thủy sản bị đánh dạt.
Tại Quảng Nam đã có hơn 20.000 ha lúa và cây màu ngâm nước, ngã đổ và nguy cơ mất trắng. Nhiều diện tích lạc vừa gieo trồng đã thối nhũn, đây là loại rau màu có chi phí giống, chăm sóc cao, ước tính khoảng 70 triệu đồng/ha, gây thiệt hại lớn cho bà con.
Tại Thừa Thiên Huế, tính đến chiều 1/4, tỉnh có hơn 500 ha lúa vụ Đông Xuân đang thời kỳ trổ bông đã ngập sâu trong nước, trong đó tập trung ở các địa phương nằm ven sông Truồi, huyện Phú Lộc và huyện miền núi Nam Đông.
Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà bị hư hỏng do dông lốc (Ảnh: TTXVN)
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200 mm (tập trung trong ngày 31/3). Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên.
Dự báo, từ ngày 1-2/4, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục diễn ra ngày 1/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá, diễn biến thời tiết rất bất thường. Mưa lớn trái mùa gây ra nhiều thiệt hại, ở diện rộng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.
Lực lượng chức năng ứng trực thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt, hiệu quả các hồ đập. Đây là cơ hội tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập.
Các địa phương không được chủ quan, bám sát các dự báo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai tiếp các giải pháp; khẩn trương căn cứ vào tình hình thực tế, các quy định hiện hành để hỗ trợ kinh phí cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!