Mưa lũ sẽ dồn dập hơn vào cuối năm

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/08/2022 06:35 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam từ đầu năm đã ghi nhận nhiều trận mưa lớn hiếm gặp. Tần suất ngày càng gia tăng. Hệ quả ngập lụt cũng ngày một nghiêm trọng hơn.

Kỷ lục 67 tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh đã biến thành sông sau cơn mưa lớn chiều ngày 15/8 vừa qua. Có nơi ngập sâu tới nửa mét, người dân gồng mình di chuyển.

Đây là hệ quả của trận mưa lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, lượng mưa đo được ở Quận 1 lên tới 103 mm chỉ trong vòng hơn 2 tiếng. Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận 2 trận ngập với lượng mưa trên 100 mm.

Mưa lũ sẽ dồn dập hơn vào cuối năm - Ảnh 1.

Khung cảnh giao thông hỗn loạn vì nước ngập tại tuyến đường Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo (Quận 5). Ảnh: Hoàng Anh Tuấn - TTXVN

Còn ở miền Bắc, từ đầu mùa mưa đến giờ cũng đã xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt. Đáng chú nhất là đợt mưa từ 10/5-15/5, tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, lượng mưa 24 tiếng vượt 200mm. Nước lũ về nhanh gây ngập sâu hơn 1 m. Không ít người dân mất hết tài sản vì trở tay không kịp.

Đến cơn bão số 2 tuần trước, các thành phố Điện Biên Phủ và Hòa Bình xảy ra ngập nặng ở một số tuyến đường, nước tràn cả vào nhà, mọi người phải vội kê cao đồ đạc ngay trong đêm Tại Thủ đô Hà Nội ngập lụt còn xảy ra 3 lần liên tiếp chỉ trong 2 ngày mưa bão. Giao thông ùn tắc kéo dài, có nơi ngập sâu đến ngang người, cuộc sống của nhiều nhà dân ở khu vực trũng thấp bị đảo lộn.

Mưa lũ sẽ dồn dập hơn vào cuối năm - Ảnh 2.

Một tuyến đường gần chợ trung tâm 3 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bị ngập nặng. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Tính từ đầu mùa mưa tới nay, Thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu 4 trận mưa lớn hàng trăm mm và gây ngập sâu. Biến đổi khí hậu và hiệu ứng đô thị làm tần suất xảy ra mưa lớn cực đoan ở Hà Nội ngày càng dày đặc. Trước kia, có khi phải vài năm hoặc vài chục năm mới xuất hiện 1 trận mưa như vậy, còn từ tháng 5 tới nay, trung bình mỗi tháng, có 1 trận.

Mưa lớn bất thường trong những tháng qua không chỉ gây ngập nhiều nơi mà còn khiến hồ Hòa Bình lần đầu tiên đã phải mở 5 cửa xả trước mùa lũ, để đảm bảo an toàn hồ đập.

Liên quan diễn biến thiên tai, mưa lũ khi dự báo hiện tượng La Nina vẫn kéo dài, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống Thiên tai cho biết, từ giờ đến cuối năm phải chịu từ 8 - 10 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Mưa lũ dồn dập vào tháng 10 và tháng 11. Lượng mưa như nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có thể sẽ tăng lên từ 30% - 50% so với trung bình nhiều năm. Đây là những thiên tai có nguy cơ rủi ro rất lớn cho người dân ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trước diễn biến mưa lũ lớn có thể xuất hiện nhiều hơn vào cuối năm, các địa phương đang rất tích cực trong công tác chuẩn bị ứng phó. Ngoài ra, để ứng phó được tốt, ngoài chỉ đạo của cơ quan Phòng, chống Thiên tai trung ương, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, người dân cũng phải chủ động, sẵn sàng.

Thiên tai ngày càng khốc liệt hơn và ập đến bất ngờ, vì thế, phòng bị thiên tai phải là một quá trình liên tục, không chỉ khi sắp có thiên tai, có công văn chỉ đạo từ trên xuống mới khẩn trương rà soát mà các địa phương cần có trách nhiệm sát sao, mở rộng phạm vi thông tin cho người dân.

Đồng thời, để nâng cao hiểu biết của người dân về thiên tai, biến đổi khí hậu, cách phòng tránh thì kiến thức dự báo hoặc phòng tránh mưa bão, đối phó với những cơn lốc xoáy, mưa sét… cần phải được cụ thể hóa, phổ cập. Bởi khi người dân hiểu biết nhiều hơn, mức độ thiệt hại có thể sẽ giảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước