Hiện trường vụ sập giàn giáo ở Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Năm 2020, toàn quốc đã xảy ra gần 8.400 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.600 người bị nạn. Mặc dù số người tử vong có giảm hơn so với năm 2019 nhưng không đáng kể.
Những địa phương có số người tử vong vì tai nạn lao động nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương và Nghệ An. Lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất gồm khai thác mỏ, khoáng sản, điện.
Theo báo Người lao động Online, trong năm 2020 có 24 vụ đoàn điều tra tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 17 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
Phân tích biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, các con số thống kê như sau:
- Tại công ty cổ phần chiếm 37,61% số vụ tai nạn chết người và 40% số người chết.
- Loại hình công ty TNHH chiếm 30,28% số vụ và 29,57% số người chết.
- Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 22,93% số vụ và 21,74% số người chết.
- Ở doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 5,51% số vụ và 5,22,% số người chết.
- Lĩnh vực khai thác mỏ, khoáng sản chiếm 16,51% tổng số vụ và 17,39% tổng số người chết.
- Lĩnh vực xây dựng chiếm 15,6% tổng số vụ tai nạn và 16,52% tổng số người chết.
- Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,42% tổng số vụ và 7,83% tổng số người chết.
Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là:
- Ngã từ trên cao, rơi chiếm 26,61% tổng số vụ và 25,22% tổng số người chết.
- Tai nạn giao thông chiếm 22,02% tổng số vụ và 22,61% tổng số người chết.
- Điện giật chiếm 13,76% tổng số vụ và 13,04% tổng số người chết.
- Đổ sập chiếm 12,84% tổng số vụ và 15,65% tổng số người chết.
Trong các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người, lỗi từ phía người sử dụng lao động chiếm 44,97% tổng số vụ và 44,35% tổng số người chết, trong đó, do không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động, thiết bị không bảo đảm an toàn.
Nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 23,85% tổng số vụ và 22,61% tổng số người chết. Bên cạnh đó, việc lao động làm bù cho những tháng nghỉ vì dịch COVID-19 gây ra căng thẳng thần kinh, tâm lý, sức khỏe cũng là một phần nguyên nhân gián tiếp làm tăng tai nạn lao động.
Năm 2020, xây dựng chưa phải là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người nhất (đứng thứ hai) nhưng có nhiều vụ nghiêm trọng, gây chết nhiều người trong một vụ. Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2020 như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 6.003 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản trên 3.883 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 150.324 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!