Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính

VTV Digital-Thứ hai, ngày 26/12/2022 12:43 GMT+7

VTV.vn - Công tác dân số ở Việt Nam hiện chưa hết những thách thức khi tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng nhanh vì tâm lý có con trai để nối dõi tông đường.

Hôm nay 26/12 là dịp kỷ niệm thường niên Ngày dân số Việt Nam. Nhìn lại cơ cấu dân số nước ta hiện nay, Việt Nam hiện đạt trên 99 triệu người, chất lượng dân số đã được cải thiện rất nhiều mặt trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, công tác dân số chưa hết những thách thức với một trong những vấn đề còn tồn tại là tình trạng mất cân bằng giới tính đang gia tăng nhanh khi tâm lý có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại.

Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là khoảng 111,5 bé trai/100 bé gái. Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh trước đây xảy ra chủ yếu ở thành thị, vùng đồng bằng Bắc Bộ thì nay lan rộng ra hầu khắp cả nước. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần đầu sinh con.

Mất cân bằng giới tính gia tăng nhanh

Hai vợ chồng anh Ba (Thường Tín, Hà Nội) đều là công nhân. Tổng thu nhập hàng tháng chỉ hơn 10 triệu đồng. Mặc dù biết vất vả để có thể trang trải đủ cho cả gia đình nhưng đó vẫn không là rào cản để khiến họ sinh thêm con. Đã có 2 cậu con trai nhưng để yên tâm hơn về người nối dõi tông đường, họ tiếp tục sinh thêm 1 cậu con nữa.

Tâm lý chuộng con trai hơn con gái, những định kiến giới dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng ở Việt Nam và ngày càng trầm trọng hơn. Như tại một lớp học mầm non, số lượng bé trai nhiều gấp 2 lần bé gái.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 1.

Bà Lại Thị Hương Giang - Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Sen, Hà Nội - chia sẻ: "Có những lớp khoảng 30 trẻ nhưng chỉ có 8, 9 bạn nữ. Việc chênh lệch như vậy khiến việc nuôi dạy trẻ của các cô khá vất vả".

Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy được mà các nhà nhân khẩu học gọi là "sức ép hôn nhân" là thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu.

Đẩy mạnh mô hình khám và tư vấn tiền hôn nhân

Cha mẹ nào cũng mong muốn sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Để có được điều đó thì cần phải thực hiện khám sàng lọc. Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng lại bỏ qua khâu khám và tư vấn trước khi kết hôn dẫn đến trẻ sinh ra mắc các bệnh bẩm sinh. Trong đó phải kể đến một vấn đề nổi cộm bấy lâu nay ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Việt Nam hiện có tới 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gen bệnh nguy hiểm này, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Trước thực trạng đó, các mô hình khám và tư vấn trước khi kết hôn đang được triển khai nhân rộng tại y tế cơ sở.

39 tuổi, cũng là ngần ấy thời gian anh Thuần (xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sống chung với tan máu bẩm sinh. Không vợ, không tiền, chỉ có đàn lợn làm vốn để hỗ trợ chi phí đi bệnh viện.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 2.

Anh Thuần chia sẻ: "Tôi không muốn lấy vợ để làm khổ tôi và gia đình. Hàng tháng tôi phải đi viện 1 lần, mỗi lần điều trị cũng khá tốn kém".

Biết chẳng thể thay đổi được thực tế nên hạnh phúc lùi về sau, bởi phải ưu tiên điều trị bệnh. Thế nhưng, khi có quyền được thay đổi thì nhiều người lại chẳng để ý.

Sau một đợt sàng lọc tan máu bẩm sinh, các y bác sĩ đã phát hiện gần 20 trường hợp mang gen bệnh. Chỉ khi được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, người dân mới kéo nhau đi xét nghiệm.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 3.
Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 4.
Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 5.

Nếu như trước đây, để xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh, người dân phải lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Trung ương thì hiện đã được triển khai ngay tại xã. Khu vực này cũng là điểm đầu tiên áp dụng mô hình thí điểm trên toàn quốc. Đã có hơn 200 trường hợp được phát hiện mang gen bệnh tan máu bẩm sinh trong tổng số hơn 1.000 mẫu được lấy.

Sau cơn mưa trời sẽ sáng, quyết sửa sai để thay đổi cuộc đời. Sau khi người con đầu mất vì tan máu bẩm sinh, một người đàn ông đã lựa chọn lối rẽ khác - kết hôn với người vợ mới và dĩ nhiên chủ động đi xét nghiệm để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 6.

Nhằm phát hiện sớm các bệnh bẩm sinh ở trẻ, Hà Nội hiện đang triển khai khám sàng lọc phát hiện và can thiệp sớm khiếm thính cho trẻ từ 0 - 60 tháng tuổi tại các trường mầm non ở 10 quận, huyện. Toàn thành phố dự kiến sàng lọc khiếm thính cho khoảng 12.000 trẻ mầm non trong đợt này. Đến thời điểm này đã thực hiện được 90%. Việc triển khai hoạt động sàng lọc thính giác cho trẻ mầm non nhằm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và khả năng nghe, nói, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 7.

Không thể phủ nhận những năm qua chính sách và công tác dân số đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng ta đã từng thành công trong khống chế được tình trạng "bùng nổ dân số" thường thấy ở các nước đang phát triển. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn nhưng về lâu dài, chúng ta lại đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số.

Sinh con muộn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Kết hôn hoặc sinh nở là chuyện của mỗi cá nhân nhưng xét ở góc độ vĩ mô, kết hôn và có con trước 30 tuổi sẽ đảm bảo được nhiều vấn đề về an sinh xã hội, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, xu hướng "ngại" kết hôn và sinh con muộn lại đang dần là trào lưu của một bộ phận giới trẻ, nhất là tại các đô thị lớn. Tình trạng này diễn ra càng phổ biến.

Hai lần hỏng thai khiến cơ hội làm mẹ của người phụ nữ 33 tuổi khá mong manh khi chị bị dính buồng tử cung tới 70%. Đặc biệt, độ tuổi của chị đang gần tới mốc 35 - mốc quan trọng trong tiến trình sinh sản của người phụ nữ.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 8.
Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 9.

Người phụ này này sụt sùi: "Trường hợp như tôi thực sự rất là khó khăn, đường đi chắc là còn dài nữa. Bác sĩ khuyên là tôi nên làm IVF càng sớm càng tốt vì độ tuổi của tôi là cũng khó hơn mọi người. Đến bây giờ thì cũng chỉ biết đặt hết niềm tin và hy vọng thôi".

Chỉ biết hy vọng khi tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhận kết quả chuyển phôi không thành công, một người phụ nữ 40 tuổi không biết mình còn kiên trì được bao nhiêu lần nữa.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, hơn 1/3 số phụ nữ đến khám trên 35 tuổi. Tỷ lệ này cho thấy phụ nữ càng lớn tuổi khi sinh con càng đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 10.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện - cho biết: "Khi lớn tuổi thứ nhất là khả năng sinh con sẽ khó khăn, có những bạn không thể sinh con được vì trứng kém, nhất là khoảng 40 tuổi trở ra thì rất khó khăn. Còn ở độ tuổi 35 - 40 vẫn có thể sinh con những sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Giả sử khi muốn có thai thì khó có thai, khi có thai thì dễ bị lưu thai. Hoặc có những trường hợp em bé lại có những vấn đề về các bệnh lý phải đình chỉ thai ngay từ trong bụng hoặc là sinh ra em bé có bệnh lý thì cũng là gánh nặng cho gia đình".

Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam: Thách thức từ thực trạng mất cân bằng giới tính - Ảnh 11.

Phụ nữ lớn tuổi thường có các bệnh lý kèm theo như rối loạn chuyển hóa, cao huyếp áp, đái tháo đường khi mang thai. Các bệnh này cũng dễ chuyển nặng và làm ảnh hưởng cho cả mẹ lẫn con. Do đó, theo các chuyên gia phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi sẽ rất tốt cho bản thân người mẹ, cho trẻ và tạo tác động tích cực cho cả xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước