Trong nhiều năm qua, doanh thu của các cơ quan báo chí, trong đó có các cơ quan truyền thông chủ lực như Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh truyền hình địa phương, báo điện tử và báo in, khoảng 60% đến từ dịch vụ quảng cáo. Thậm chí đối với một số cơ quan báo chí, tỉ lệ này lên đến 90%. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo bị sụt giảm nghiêm trọng, có cơ quan báo chí đã giảm quá nửa, nguồn thu sụt giảm nhưng chi phí sản xuất lại tăng.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng cần có chính sách ưu đãi về nguồn lực cho báo chí phát triển và làm tốt chức năng của mình
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, báo chí hiện nay đang mang một sứ mệnh chính trị quan trọng. Ngoài việc đưa thông tin, định hướng thông tin là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, báo chí còn mang sứ mệnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tư tưởng của Đảng. Với nhiệm vụ chính trị quan trọng như vậy, cần các chính sách ưu đãi về nguồn lực cho báo chí phát triển và làm tốt chức năng của mình.
"Các cơ quan báo chí Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Đảng, của nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do đó, phần lớn các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang được sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và nhiều đơn vị đang được hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, các cơ quan này có những đặc thù khác biệt so với những doanh nghiệp sản xuất và tự chủ về tài chính", ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý Deloitte Việt Nam cho biết.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý Deloitte Việt Nam chia sẻ về vấn đề hỗ trợ thuế cho các cơ quan báo chí
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh, truyền hình đã tiếp tục giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các bài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo mỗi ngày trên các kênh truyền hình, chương trình do quy định của pháp luật về Luật Quảng cáo. Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã xây dựng các phương án ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí. Cụ thể, bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi là 15% đối với thu nhập các hoạt động từ báo chí. Riêng đối với báo in, vẫn giữ nguyên mức thuế ưu đãi là 10%. Tuy nhiên, mức đề xuất này theo nhiều ý kiến, vẫn chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho cơ quan báo chí và nhất là các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, có cơ chế hạch toán nhiều doanh nghiệp
"Báo chí là một lĩnh vực đặc thù hoạt động bất kể ngày đêm, cần nhiều sự tư duy sáng tạo. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí sẽ tạo thêm nguồn thu nhập, giữ chân được người lao động để các phóng viên, nhà báo sống được với nghề, để luôn giữ được tâm sáng bút, sắc lòng trong và sáng tạo ra những tác phẩm báo chí thực sự chất lượng", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đánh giá.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, báo chí là một lĩnh vực đặc thù hoạt động bất kể ngày đêm, cần nhiều sự tư duy sáng tạo
"Sự sụt giảm nguồn thu đến từ các doanh nghiệp, hạn chế quảng cáo cũng như là sự bùng nổ của mạng xã hội, nhưng nhiều cơ quan báo chí lại không được quyền thu phí từ nền tảng số, điều này cũng là một bất cập. Đối với cả các cơ quan báo chí của Đảng, của Nhà nước đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác nhau và phải chi rất là nhiều các khoản chi phí, việc đưa ra thêm điều kiện nhằm tạo sự công bằng, tăng nguồn thu để bù đắp những khoản chi phí phát sinh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn", ông Bùi Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Theo thông tin từ cơ sở dữ liệu của Deloitte, ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu nhập chịu thuế từ hoạt động báo chí thường được áp dụng mức thuế suất thấp hơn, thường chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 so với thuế suất tiêu chuẩn áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác. Điều này thể hiện rõ ý chí của chính phủ các quốc gia trong việc ủng hộ và hỗ trợ hoạt động báo chí. Báo chí được xem là công cụ truyền thông, tuyên truyền và là tiếng nói thay mặt cho chính phủ và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
"Nên xem xét và cân nhắc các ưu đãi ở mức phù hợp để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí. Bộ Tài chính sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến và trong quá trình hoàn thiện dự thảo, Bộ sẽ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền những chính sách hài hòa và hỗ trợ cho các cơ quan truyền thông, báo chí", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nên xem xét và cân nhắc mức ưu đãi phù hợp cho các cơ quan báo chí
"Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất thống nhất áp dụng chính sách thuế ưu đãi 10% cho tất cả các loại hình báo chí. Về vấn đề tài chính của các cơ quan báo chí, cần xem xét nguồn thu, chi phí và chênh lệch thu nhập. Tuy nhiên, để tăng nguồn thu, cần có các chính sách hỗ trợ của nhà nước và chính phủ. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí chủ lực cần được phép thực hiện các nghiệp vụ và tạo nguồn thu tương tự các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông khác để đảm bảo sự công bằng. Họ cần tìm ra những chiến lược thông minh và hiệu quả hơn để không chỉ duy trì mà còn phát triển, tạo ra các hoạt động tốt hơn và tăng thêm nguồn thu tài chính trong tương lai", ông Bùi Ngọc Tuấn nhận định.
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ trên mạng xã hội và các nền tảng Internet như hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Do đó, việc nghiên cứu đều có một mức thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các cơ quan báo chí để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn hiện nay và tiếp tục phát triển lớn mạnh là hết sức cần thiết. Bởi ở nước ta, báo chí không chỉ đơn thuần là kinh doanh vì lợi nhuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!