Doanh thu của các cơ quan báo chí sụt giảm mạnh
Chưa bao giờ các cơ quan báo chí lại đang phải đối mặt với nghịch cảnh như hiện nay. Nhiều cơ quan báo chí đã tự chủ song doanh thu ngày càng sụt giảm, nhưng chi phí sản xuất lại ngày một tăng. Trong khi đó, vẫn cần đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các cơ quan báo chí hiện nay đang phải đối diện với việc sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo. Theo số liệu của Bộ Thông tin truyền thông, tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh Truyền hình đã giảm 20% so với năm 2022. Chưa kể trong hai năm đại dịch Covid-19, doanh thu còn giảm mạnh hơn từ 30-40%. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho các cơ quan báo chí đang tự chủ hoặc tự chủ một phần gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động.
Là một cơ quan báo chí lớn, báo Nhân dân có đủ các loại hình báo chí như: Báo giấy, báo điện tử, báo hình để thích ứng với nhu cầu xem, nghe, đọc của người dân. Thế nhưng, báo Nhân dân cũng đang phải đối mặt với việc sụt giảm khoảng 20% nguồn doanh thu từ quảng cáo.
Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết: "Không chỉ báo in, mà kể cả truyền hình vốn là kênh thu hút nhiều quảng cáo nhất thì bây giờ mức độ sụt giảm cũng vô cùng quan trọng. Ngay cả phần thu được từ digital cũng quá bé, không thể bù đắp được phần mất đi ở báo in và truyền hình. Còn đương nhiên phát thanh đã khó khăn từ lâu".
Báo Thể thao, văn hóa cũng bị sụt giảm 40% doanh thu so với lúc trước dịch bệnh Covid-19. Báo chí giờ đây đã không còn ở vị trí độc tôn, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo.
Ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: "Google, facebook nắm đa phần thị trường quảng cáo trực tuyến. Họ là người điều tiết, chi phối giá thành, các quảng cáo ngày càng chuyển sang nền tảng số cũng như nền tảng mạng xã hội, giá thành quảng cáo trên báo chí truyền thống, trên truyền hình phát thanh cũng giảm xuống. Rõ ràng nguồn thu giảm. Chúng tôi đang phải đối mặt với nghịch cảnh chưa từng có như bây giờ".
Hiện nay cơ quan báo chí có khoảng ba nguồn thu chính: Quảng cáo, trợ cấp từ Ngân sách Nhà nước hay cơ quan chủ quản, và các hợp đồng truyền thông, tài trợ. Tuy nhiên, khi nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh, nguồn chi thường xuyên cho báo chí lại rất thấp, chưa kể với nhiều cơ quan báo chí đã tự chủ thì lại không có hoặc rất ít hỗ trợ từ ngân sách.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: "Không chỉ từ quảng cáo, nguồn thu từ các tổ chức, sự kiện, công tác truyền thông cũng giảm mạnh, do khó khăn của nền kinh tế nói chung. Chúng ta cũng vừa trải qua đại dịch Covid-19, các cơ quan báo chí lao đao trong giai đoạn như vậy và cho đến nay vẫn chưa phục hồi. Các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, có những biện pháp khoan sức cho báo chí".
Dù hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí đã chủ động đa dạng nguồn thu, nhưng dù là báo in, báo hình, báo điện tử, hay báo phát thanh cũng vẫn đều phụ thuộc chính vào nguồn thu chính là quảng cáo. Hầu hết hiện nay các đài phát thanh, truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trên ngày, trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Có Đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Với nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần các chính sách ưu đãi về nguồn lực để cho báo chí phát triển
Đề xuất mức giảm sâu hơn nữa về thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
Doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% nhưng nguồn thu này giờ đã sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu liên tục sụt giảm, nhưng chi phí sản xuất lại tăng. Với báo in, giá giấy, giá điện đều tăng nhưng lượng phát hành lại giảm. Với báo điện tử cũng đang phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, trong khi chi phí về đường truyền, máy chủ, phần mềm, vận hành, bản quyền cũng đều đang tăng lên. Với báo phát thanh, khó khăn từ rất lâu rồi.
Với báo hình, để sản xuất ra một tin, phóng sự phát sóng phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc đi quay phim tại cơ sở, địa phương với nhiều dụng cụ máy móc cồng kềnh, sau đó hậu kỳ, dựng hình đến phát sóng. Mỗi công đoạn đều phải có sự góp sức của nhiều phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên, đạo diễn… Chi phí sản xuất bỏ ra nhiều nhưng doanh thu về lại sụt giảm. Với các cơ quan báo chí đã tự chủ về tài chính, không còn trợ cấp từ ngân sách sẽ gặp khó trong việc đổi mới công nghệ máy móc, khó giữ chân được những lao động có chuyên môn cao.
Đã đến lúc cần có sự hỗ trợ về sức cho báo chí nhưng khoan sức bằng cách nào? Một biện pháp khoan sức cho báo chí hiện nay đang được Bộ Tài chính xây dựng tại dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí từ 20% xuống còn 15%. Báo in vẫn giữ ở mức 10% như trước. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên mức đề xuất này theo nhiều ý kiến vẫn chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho cơ quan báo chí.
Theo các đại biểu Quốc hội, báo chí đang có nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Với nhiệm vụ chính trị quan trọng như vậy, cần các chính sách ưu đãi về nguồn lực để cho báo chí phát triển. Một trong các chính sách đó chính là ưu đãi về thuế. Việc đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí về 15% dù đã là sự hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đủ tháo gỡ khó khăn, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: "Khi chúng ta giảm thuế, chính là hỗ trợ nguồn lực rất trực tiếp, nguồn lực rất nội lực để cho cơ quan báo chí phát triển. Việc giảm 15% chưa thật phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cơ quan báo chí. Theo tôi và cũng là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội, của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban cũng đã nêu, đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình báo chí xuống 10% như nhau".
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra nhận định: "Khi chúng ta giao nhiệm vụ chính trị cho họ thì phải trao nguồn lực cho họ. Việc chúng ta cung cấp nguồn lực cho các cơ quan báo chí, một trong những biện pháp đó là giảm thuế cho họ".
Theo đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam, việc áp dụng chung một mức thuế suất 10% cũng giúp cho cơ quan thuế dễ dàng trong việc quản lý. Đồng thời cũng giúp cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tập trung vào nhiệm vụ chính trị.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ: "Nên được một mặt bằng thuế như nhau, là cùng được áp dụng hiệu suất là ưu đãi thuế là 10%. Tuy nhiên, xét về mặt ngân sách thì có thể giảm đi một chút so với 5%, nhưng chúng tôi nghĩ rằng tác dụng trở lại sẽ tốt hơn. Bởi vì tất cả các cơ quan báo chí, kể cả báo viết, báo nói, báo hình đều có nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Khuyến khích họ để tạo ra những thu nhập để bù trừ, đặc biệt lúc lũ lụt hoặc thiên tai… thì chi phí rất lớn".
Báo chí là một lĩnh vực đặc thù, hoạt động bất kể ngày đêm, cần nhiều sự tư duy, sáng tạo. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí sẽ tạo thêm nguồn thu nhập giữ chân được người lao động, để các phóng viên, nhà báo sống được với nghề, để họ luôn giữ được "tâm sáng, bút sắc, lòng trong" và sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng.
Những người làm báo hình nói riêng và làm báo nói chung đều đang làm việc miệt mài bất kể ngày, đêm, với cường độ cao, đòi hỏi sự sáng tạo lớn. Vì vậy, lĩnh vực báo chí là lĩnh vực đặc thù, rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ để họ làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Hiện nay, dự thảo Luật thuế sửa đổi doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, và dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sẽ được khai mạc vào ngày 21/10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!