Ngày con về với mẹ

Vũ Em-Thứ tư, ngày 27/07/2022 21:39 GMT+7

VTV.vn - Những ngày ở mặt trận, Binh nhất Trần Đình Ân vẫn gửi thư về nhà. Thế nhưng, cuộc chiến càng ác liệt, những lá thư càng ít đi. Rồi đến một ngày chẳng còn lá thư nào nữa...

Mẹ Nguyễn Thị Nhàn nghẹn ngào khi mỗi lần nhìn di ảnh con mình. Và bậc cửa chính là nơi mẹ đã đợi anh về suốt gần nửa thế kỷ qua.

Tuổi 94, không còn minh mẫn, mẹ luôn nhớ rõ từng kỷ niệm về liệt sĩ Trần Đình Ân.

Tháng 4/1978, khi vừa tròn 18 tuổi, liệt sĩ Trần Đình Ân đã rời quê hương xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam.

Những ngày ở mặt trận, Binh nhất Trần Đình Ân vẫn gửi thư về nhà. Thế nhưng, cuộc chiến càng ác liệt, những lá thư càng ít đi. Rồi đến một ngày chẳng còn lá thư nào nữa.

Nhớ thương đằng đẵng, mỗi đêm, mẹ đều ngồi trước di ảnh của con cùng với tâm nguyện lớn nhất là được đón con trở về lại quê hương.

Con cháu trong gia đình cũng đã nhiều lần đi tìm kiếm, thế nhưng, hồ sơ không trùng khớp, ngày liệt sĩ về với mẹ vẫn còn xa.

Ý nguyện gia đình tình cờ cũng là ý nguyện của ông Nguyễn Sỹ Hồ. Trong một lần chụp hình mộ liệt sĩ, thấy tên liệt sĩ Trần Đình Ân tại Cần Thơ, ông đã kết nối với quê nhà. Biết được mẹ liệt sĩ vẫn còn sống, ông đã quyết tâm khớp nối các hồ sơ để liệt sĩ trở về.

Sau hành trình dài hơn 1.500 cây số, liệt sĩ Trần Đình Ân trở về với mẹ sau gần nửa thế kỷ.

Tiễn con đi với đủ hình hài, đón con về, con đã hóa thành hình đất nước. Cuộc đoàn tụ của nỗi mong nhớ, chờ đợi, khắc khoải đằng đẵng chất chứa trong nước mắt, tiếng gọi con… Bàn tay người mẹ như muốn ôm con vào lòng ru con như thời thơ bé…

Anh Trần Văn Sỹ - em trai liệt sĩ Trần Đình Ân - chia sẻ: "Đây là một niềm lớn lao hạnh phúc đối với gia đình chúng tôi, đặc biệt là mẹ chúng tôi. Mẹ là người sinh ra nuôi dưỡng từ bé đến lớn. Đến tuổi trưởng thành con ra đi một cách biền biệt, xa gia đình xa quê hương, vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt mẹ. Nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng rất tự hào, có những cái chết hóa thành bất tử".

Gần nửa thế kỷ, người mẹ già đã có thể đón được con về với quê hương, với gia đình. Và cũng sau gần nửa thế kỷ, liệt sĩ về thăm nhà rồi sẽ an nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang. Máu thịt anh đã hòa vào lòng đất mẹ, làm nên đất nước anh hùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước