Vài năm trước, khi tỉnh Kon Tum có chủ trương xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng không mấy người dân nơi đây hào hứng. Một phần bởi làng nằm qua xa trung tâm huyện, với hơn 40 km, một phần bởi người dân bao đời chỉ quen làm nương rẫy, ít ai biết làm du lịch như thế nào.
Bắt đầu từ con số không nhưng khi có được sự đồng thuận, cả làng bắt tay vào làm du lịch. Cảnh quan làng được chỉnh trang, nhiều homestay được xây dựng, các món ăn truyền thống được khôi phục.
Anh A Hiền, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo cho biết: "Hình thức du lịch này giúp bà con có thêm thu nhập. Nếu làm tốt thì sau này các du khách sẽ đến, họ đến tham quan, ở lại như vậy thì bà con sẽ có những dịch vụ ăn theo để có thêm thu nhập cho gia đình''.
''Nói cho người dân hiểu rằng du lịch cộng đồng mang lại kinh tế, mang lại hiệu quả về văn hóa, xã hội như thế nào. Tổ chức đưa người dân đi tham quan các làng du lịch để học cách làm và chỉ cho họ cách để có thể làm được du lịch cộng đồng’’, ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, Kon Tum cho biết thêm.
Là chủ nhân của vùng đất sở hữu loại dược liệu đắt bậc nhất - Sâm Ngọc Linh nhưng Tu Mơ Rông là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất cả nước khi bà con vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Địa phương này cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây bắt đầu từ việc thay đổi cách nghĩ đến cách làm. Câu chuyện bà con dám vay vốn, đầu tư hàng chục tỉ đồng để liên kết trồng Sâm Ngọc Linh.
Với địa phương còn gần 16.000 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ trên 10% thì việc hạ tỉ lệ hộ nghèo một cách bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tại huyện nghèo Tu Mơ Rông, sau gần 3 năm triển khai quyết liệt đã có gần 2.000 hộ thoát nghèo, chủ yếu nhờ vào các sản phẩm đặc hữu tại địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!