Theo dự thảo Luật dân số đang được lấy ý kiến, Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai. Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng dao động từ 3,07 triệu đồng/tháng đến 4,42 triệu đồng/tháng.
Dự thảo Luật cũng có quy định: Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.
Đáng chú ý, các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra một số biện pháp khuyến sinh khác đó là:
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình;
- Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình;
- Khuyến khích trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ.
Chỉ có các phụ nữ ở vùng có mức sinh thấp mới được hưởng các biện pháp khuyến sinh như trên theo dự thảo Luật Dân số. Các tỉnh này đều có mức sinh dưới mức sinh thay thế, nghĩa là dưới 2 con/ bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong số này, TP Hồ Chí Minh có mức sinh thấp nhất cả nước, nhiều năm gần đây dao động từ 1,3 - 1,5 con/bà mẹ.
Lâu nay, chúng ta thường mới chỉ biết hậu quả của mức sinh cao, bùng nổ dân số như nghèo đói, thất học, thất nghiệp, quá tải các dịch vụ an sinh xã hội. Hệ lụy của mức sinh thấp, sinh đẻ quá ít cũng nghiêm trọng không kém, tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng.
Mức sinh thấp sẽ gây ra tình trạng suy giảm quy mô dân số. Với những quốc gia có mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động. Bởi khi đó, số người được sinh ra ngày càng ít đi sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội - sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng quỹ phúc lợi xã hội cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe người già cao gấp 7-8 lần so với chăm sóc sức khỏe trẻ em. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người già sẽ tăng đột biến trong bối cảnh lực lượng lao động giảm và phụ nữ ngày một tham gia tích cực hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hiện Việt Nam vẫn đang ở mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con, duy trì từ năm 2006 đến nay. Đó là mức sinh đáng mơ ước bởi đủ để duy trì nòi giống và tạo ra một lực lượng lao động thay thế đủ cho nền kinh tế phát triển. Dự thảo Luật Dân số đã đề ra các biện pháp khuyến sinh tại 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp và cũng đề ra các biện pháp phù hợp với những tỉnh, thành còn có mức sinh cao. Vì vậy, những đề xuất trong dự thảo Luật lần này có tính kịp thời và nếu được áp dụng sớm sẽ tránh được tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp và khi đó muốn tăng cũng khó thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!