Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 5 năm vừa qua chưa đến 4 triệu tấn, giảm đến 22% so với các giai đoạn trước.
Trước thực trạng ngư trường ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, nhiều ngư dân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để duy trì nghề cá và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương thì không còn cách nào khác là họ phải thay đổi tư duy trong đánh bắt theo hướng bền vững hơn.
Trước đây, ông Tôn có 2 tàu đánh bắt bằng hình thức giã cào. Nhưng theo tuyên truyền từ các cơ quan chức năng, nhận thấy đây là một trong những nghề mang tính hủy diệt thủy sản, ông đã quyết định chuyển đổi sang nghề câu xa bờ và làm dịch vụ hậu cần thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, ông Tôn thấy rõ quyết định chuyển đổi nghề của mình là đúng đắn.
Theo Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, trong 2 năm 2020 và 2021, có khoảng 6,5% ngư dân đã tự chuyển đổi từ những nghề đánh bắt, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề đánh bắt có tính chọn lọc.
Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn, vì nghề cá là nghề truyền thống mang tính chất cha truyền con nối, để thay đổi được nhận thức không đánh bắt tận diệt thì nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ giúp ngư dân chuyển nghề hiệu quả hơn.
Dự kiến vào tháng 6 tới, đề án chuyển đổi nghề cá theo hướng đánh bắt bền vững sẽ được trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt và tổ chức thực hiện. Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn cụ thể để bà con ngư dân có sự chuẩn bị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!