Những thầy cô giáo nơi rẻo cao luôn đặc biệt. Đặc biệt vì con đường đi làm hàng ngày của họ xa và đầy trắc trở. Đặc biệt vì họ phải hy sinh cuộc sống riêng tư để đến với những ngôi trường cắm bản, trở thành cha thành mẹ của những đứa trẻ nơi vùng núi xa xôi.
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục Đào tạo, trong số hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước, có gần 400 nghìn thầy/cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, chiếm khoảng 1/3 số lượng giáo viên trên cả nước.
Trong đó, có hơn 70 nghìn giáo viên mầm non, trên 96 nghìn giáo viên tiểu học. Đặc biệt có hơn 93 nghìn giáo viên đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Khó khăn chưa từng vơi đi, nhưng lòng nhiệt huyết yêu nghề của các thầy cô thì luôn được lấp đầy. Đặc biệt là với những thầy cô giáo vùng cao.
Những thầy cô cõng xe tới trường
Con đường đến trường của thầy và trò được tính bằng số quả đồi, quả núi. Như câu chuyện của các thầy cô giáo ở trường tiểu học và trường mầm non xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Từ điểm trường chính, các thầy cô phải di chuyển hàng chục cây số, băng rừng, đi qua những cung đường đất lầy lội, phải khiêng xe qua những con suối mới vào được điểm trường. Dù vất vả, dù hiểm nguy, nhưng họ vẫn bền bỉ, quyết tâm vì tương lai của con trẻ.
Nước lên, những cây gậy này lại trở thành đòn gánh để các thầy cô "gánh" xe qua dòng nước. Ngôi làng Canh giao nằm biệt lập với cuộc sống bên ngoài, đường đi trắc trở nên mỗi tuần, các thầy cô vào trường từ thứ 2, ở lại rồi cuối tuần mới trở ra.
Ở ngôi trường này, các em học sinh ở đây phần nhiều là người dân tộc Bana, điều kiện của gia đình còn khó khăn, nhưng ánh lên trên đôi mắt của những đứa trẻ là niềm yêu thích học tập.. Đó cũng là động lực lớn của các thầy cô.
Đã có những thầy cô bị ngã trên đường đến trường, có những thời điểm mắc kẹt vì nước suối lên, hay chuyện hàng ngày phải sống trong cảnh không điện, thiếu thốn đủ đường… Biết bao nhiêu khó khăn đó, không ngăn được bước chân của những thầy cô nơi đây. Bởi nỗ lực của họ đang được đổi lấy một tương lai tốt hơn ở ngoài kia cho những đứa trẻ ở ngôi làng này.
"Cái khó ló cái khôn"- càng vào những tình cảnh khó khăn, các thầy cô sẽ càng tìm mọi cách để khắc phục. Như chiếc túi nilon đựng điện thoại, treo lên những khung cửa sổ thường được các thầy cô treo lên để "hứng sóng" vì chỉ có ở đúng vị trí này mới thi thoảng bắt được sóng, kết nối với điểm trường chính và bên ngoài. Không chỉ vậy, các thầy cô cũng phải tự xoay sở chỗ nghỉ của mình, bởi lớp học kiên cố sẽ dành cho các con.
Tại huyện vùng cao biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đường đến trường của các thầy cô giáo không tính bằng số cây, mà tính bằng số giờ. Số giờ lại phụ thuộc vào thời tiết. Còn độ khó của đường được tính bằng độ hư hại của xe. Bởi theo tâm sự của các thầy là 1 năm phải thay đến hàng chục lốp xe và phanh. Cũng bởi vậy, nơi đây có 30 thầy giáo mầm non đã tự nguyện cắm bản, dạy học ở những nơi đặc biệt khó khăn.
Dù múa và hát không phải là sở trường, thế nhưng thầy giáo Đao Văn Nguyên vẫn không ngần ngại biểu diễn, làm mẫu cho học trò. Đến nay đã 10 năm thầy trở thành "giáo viên nuôi dạy trẻ".
Gia đình nhỏ giữa điểm trường khó
Chính các thầy cô - trong những năm tháng ngồi trên hàng ghế sư phạm, cũng chẳng thể ngờ được rằng, nghề giáo hóa ra không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho trẻ nhỏ, mà đôi khi nghề giáo còn là học cách làm cha làm mẹ, nuôi nấng nhiều em nhỏ thiệt thòi. Và cứ thế trên những vách núi cheo leo, trường học là nhà và thầy cô là cha mẹ.
Cuộc sống của nhưng học trò nhỏ nơi vùng cao đôi khi gắn liền với điểm trường. Có trẻ nhà xa, có trẻ bố mẹ đi làm không về,… khi ấy những đứa trẻ lại nhờ cậy nơi thầy cô…
Dù khi chật chội, thiếu thốn, dù vất vả, gian nan,…nhưng bữa ăn giấc ngủ của các em vẫn luôn được chăm chút từng li từng tí. Cứ thế, những học trò nhỏ coi trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em… những người thầy người cô - cũng chính là những người cha người mẹ vẫn cứ miệt mài bám trụ, giữ mạch nguồn yêu thương, để tiếng cười em vẫn cứ ngân vang giữa núi đồi xanh thẳm.
Yêu thương là sức mạnh to lớn để con người vượt qua được khó khăn, để các thầy cô tìm thấy động lực khi nhìn những đứa trẻ trưởng thành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!