Người lao động "bữa nay no, lo mai đói" sau dịch COVID-19

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/07/2020 21:04 GMT+7

VTV.vn - Việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống của nhiều lao động sau mùa dịch COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn.

Hết tháng 6, đã có trên 7,8 triệu người đã mất việc, nghỉ luân phiên do dịch bệnh. Vấn đề hầu hết doanh nghiệp gặp phải là thu không đủ chi dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động.Vì vậy, nhẹ thì người lao động sẽ bị giảm lương, nặng sẽ chấm dứt hợp đồng. Chưa bao giờ, cuộc sống của người lao động lại bếp bênh đến thế.

Một lao động mất việc có thể kéo theo cả gia đình họ lâm vào túng quẫn. Vì vậy, đa phần người lao động cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hy vọng có thể cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bản thân doanh nghiệp cũng nỗ lực duy trì sản xuất, cố gắng giữ lao động ở lại. Nhưng điều này không dễ dàng.

Người lao động bữa nay no, lo mai đói sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Người lao động đang gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19

Để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hưởng một số chính sách ưu đãi như được tạm dừng đóng BHXH, nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội…Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại gần như chưa có doanh nghiệp nào được nhận những hỗ trợ này, do vướng mức nhiều điều kiện khác nhau.

Tại hội nghị bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã bày tỏ sự tiếc nuối khi không đủ điều kiện để hưởng gói hỗ trợ do dịch bệnh. Ví dụ như với điều kiện doanh thu phải gần như bằng 0 trong thời kỳ dịch bệnh, hầu như không có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được. Bởi trong giai đoạn này các doanh nghiệp vẫn đang hoàn thiện những đơn hàng cũ, và hoạt động cầm chừng.

Với bảo hiểm xã hội hay phí công đoàn, các doanh nghiệp đề xuất được miễn chứ không giảm hoặc lùi thời hạn đóng. Bởi doanh thu không phát sinh, những khoản phí này sẽ trở thành những khoản nợ. Họ chưa biết khi nào hoạt động sản xuất mới khôi phục, nếu khôi phục, việc thanh toán những khoản nợ này cũng là một gánh nặng lớn.

Hiện tại có tới ¾ số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và gần 10% phải giảm tới một nửa số lượng lao động. Tuy nhiên đến nay chưa có hồ sơ doanh nghiệp nào đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được phê duyệt. Việc nới lỏng các điều kiện hưởng gói hỗ trợ lúc này là hết sức cấp bách. Bởi rất nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái cầm cự và không biết có thể gắng gượng được thêm bao lâu.

Với những người lao động, khoản hỗ trợ thất nghiệp từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ chỉ mang tính tạm thời. Còn nếu doanh nghiệp được hỗ trợ, họ sẽ giữ được công ăn việc làm lâu dài. Chính vì thế, họ cũng mong muốn doanh nghiệp của mình sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ ấy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước