Người người, nhà nhà trong làn sóng "đột biến": Từ lan, rau cho tới cả lòng tốt

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 17/04/2021 13:02 GMT+7

VTV.vn - Đột biến đang là xu hướng được ưa chuộng, cứ điều gì đột biến là được chú ý, từ lan, rau cho tới... lòng tốt. Nhưng ở đời, không phải thứ gì đột ngột xuất hiện cũng hay.

Lan đột biến - Đột nhiên... đột biến

Người người, nhà nhà trong làn sóng đột biến: Từ lan, rau cho tới cả lòng tốt - Ảnh 1.

Lan đột biến - một minh chứng cho lý thuyết "kẻ ngốc hơn"

Cái gì càng hiếm thì thường sẽ càng quý, càng được mong đợi? Nếu nói như vậy thì "Phép thuật" sẽ là 1 trong những điều người ta khát khao nhất, bởi thậm chí nó còn chẳng có thật. Sự thật là sức người thì có hạn, thử thách thì lại vô biên, chẳng ai tránh được những biến cố, đặc biệt là những biến cố đột nhiên xuất hiện. Và cũng có 1 sự thật nữa là người ta chỉ có thể lột xác để trở nên mạnh hơn về thể chất, tinh thông hơn về trí tuệ sau những cú vấp ngã bất ngờ đó mà thôi. Những nhà đầu tư lan đột biến hẳn đã trải qua 1 cuộc lột xác tỉnh người trong tuần vừa rồi.

Khi đầu tuần qua, 1 cơn đau tim thật sự có lẽ đã đến với những người chơi lan đột biến tại vườn lan Hà Thanh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, khi những người này nghe tin: cây lan mình mua chỉ là loại lan thường, còn chủ vườn lan thì đã ôm cả 200 tỷ đồng bỏ trốn đi đâu mất.

Không chỉ ở Ứng Hoà, cơn sốc còn lan tới cả những người chơi tại nhiều vườn lan đột biến nổi tiếng ở huyện Hoài Đức, Hà Nội hay huyện Yên Thủy, Hòa Bình. Những nhánh lan độc lạ, giao dịch tiền tỷ, vang danh 1 thời, ngàn like, ngàn share trên mạng xã hội nay lại bị bỏ bê, khô héo.

Bán nhà, bán xe, cắm sổ đỏ, thậm chỉ là đi vay nặng lãi để đầu tư lướt sóng lan cảnh là dở rồi. Giờ những người chơi Lan còn đang chơi cả "Mai" nữa - Nhưng không phải là cây Mai mà là MAI … BIẾT GẶP AI MÀ ĐÒI TIỀN.

Những chiêu thức lừa đảo mua bán lan đột biến

Hãy nhớ lại lý thuyết "kẻ ngốc hơn" mà chúng tôi đã từng nhắc đến khi nói về đầu tư lướt sóng lan đột biến. Người cuối cùng bỏ khoản tiền vượt xa giá trị thật của sản phẩm để mua vào, đó sẽ là kẻ ngốc. Điều đáng nói lúc này là: có nhiều người đang không chấp nhận việc mình là kẻ ngốc cuối cùng đó. Dù biết là đã bị lừa, nhưng vẫn không khai báo vì vẫn muốn tìm cơ hội để bán cho 1 "người bị lừa" tiếp theo.

Thế nhưng, để đột nhiên có người mua cây cảnh đột biến trong hoàn cảnh này là không dễ, bởi người mua đã cảnh giác hơn, chính quyền đã vào cuộc, các ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hoà Bình đã yêu cầu rà soát các hợp đồng tín dụng, đặc biệt là tại những nơi có phong trào trồng lan đột biến để thận trọng khi cho vay.

Vậy nên, việc cũng đã xảy ra rồi và người ta vẫn nói: "Cuộc sống là một tấm gương. Nếu bạn cười với nó, nó sẽ cười với bạn". Cười vào chữ "Đột biến" như chàng trai sau đây, có lẽ cũng là 1 cách hiệu quả làm cho câu chuyện bớt căng thẳng hơn.

Bắt trend lan đột biến … có rau muống đột biến, 5 tỷ/bó, thế nhưng, lại "ai mua thì bán, ai xin thì cho". Đây thực ra là cách PR hài hước của 1 anh chàng tại Biên Hoà, Đồng Nai. Số rau này anh không bán mà làm từ thiện, đối tượng đón nhận là sinh viên và những người lao động nghèo. Sạp rau từ thiện này đã tồn tại được 10 năm rồi. Cộng đồng mạng đã dành nhiều lời chúc tốt đẹp tới chàng bán rau tốt bụng và hài hước này.

Thường thì khi tâm trạng phải thoải mái, người ta mới hài hước được. Giống như anh chàng trong câu chuyện trên, sự hài hước của anh ta chẳng tự nhiên mà đến bởi sạp rau từ thiện ấy đã tạo sự thoải mái cho anh chàng trong suốt 10 năm qua.

Và không riêng gì sự thoải mái, thực tế, hiếm có điều gì đột nhiên xảy ra. Nên hãy nhớ rằng, khi có điều gì bất ngờ xuất hiện, hãy dè chừng, bởi đôi khi bất ngờ với người này lại đã nằm trong kế hoạch của người khác.

Đột nhiên được lòng tốt chẳng hạn, đằng sau nó rất có thể là một câu chuyện chẳng mấy tử tế...

Vòi tiền "cảm ơn" vì đã... "môi giới" lòng tốt

Theo phản ánh của các gia đình bệnh nhân, có chị H. nọ thường đi phát xôi, rồi làm quen với những hoàn cảnh khó khăn, thương tâm tại bệnh viện. Sau khi nhận được sự tin tưởng của gia đình các bệnh nhân, chị H tự đề xuất sẽ nhờ đăng bài kêu gọi ủng hộ. Chưa rõ chị H làm bằng cách nào, ngay sau đó, đã có người xưng là phóng viên đến chụp ảnh viết bài. Rồi chỉ mấy ngày sau, gia đình các bệnh nhân đã nhận được tiền ủng hộ.

Nhưng ngay sau đó, chị H tìm đến và "xin tiền cảm ơn".

Người người, nhà nhà trong làn sóng đột biến: Từ lan, rau cho tới cả lòng tốt - Ảnh 3.

Chắc chắn, "chị bán xôi" nhắn tin cho gia đình bệnh nhân như thế này, không ngốc, chỉ là không tử tế hay nặng nề hơn thì chị giống như 1 kẻ lừa đảo mà thôi...

Chị H. nói: "Từng gói xôi chị phát đi bao lâu nay là mồ hôi nước mắt, nhất là công sức của chị em nhé, chị không phải con ngu con ngốc mà giúp xong em muốn nói chị thế nào thì nói".

Đe đọa mãi mà không nhận được tiền "cảm ơn", đối tượng chuyển sang ngã giá, mặc cả giảm bớt số tiền - "Em ơi, em chuyển 3 triệu thôi nhé, em có lòng thì chị cảm ơn, không thì bọn chị cũng không bao giờ đòi hỏi và cần"

Chia sẻ về chuyện này, mẹ của một bệnh nhi nói: "Chị ấy bảo tôi một ngày 3 lần chụp ảnh các tin nhắn chuyển tiền để báo cáo chị ấy. Tôi nhận được 25 triệu tiền ủng hộ. Ban đầu chị ấy bảo cho chị xin 4 triệu tiền cảm ơn, sau thì bảo 3 triệu cũng được. Khi tôi nói là khó khăn thì chị ấy giọng cũng đe dọa kiểu như sẽ cho gặp công an, hay em út của chị ấy. Tôi quá thất vọng".

"Môi giới quyên góp cho người bệnh rồi vòi tiền cảm ơn" là phóng sự từng được phát trong chương trình Chuyển động 24H. Nếu tìm hiểu về từ "môi giới", ta sẽ thấy có 1 định nghĩa thế này: Môi giới là hành vi làm trung gian cho các bên tiếp xúc, đàm phán và thiết lập các quan hệ, bên môi giới có quyền được hưởng tiền hoa hồng hay còn gọi là "thù lao môi giới".

"Môi giới" quyên góp ủng hộ người bệnh rồi vòi tiền "cảm ơn"

Nếu theo định nghĩa này, thì bà bán xôi trong phóng sự vừa rồi chẳng chuyên nghiệp chút nào cả! Bà đã không ý thức được nghề nghiệp của mình ngay từ đầu. Đáng ra bà phải nói rõ như thế này ngay khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ.

Đầu tiên, bà phải xưng danh cho chính xác: Xin chào anh/chị, xin tự giới thiệu: tôi là bà phát xôi từ thiện ở bệnh viện này, đói không, làm một gói đi đã. À mà nghề chính của tôi là môi giới lòng tốt nhé. Nghe lạ không? thôi chẳng cần hiểu làm gì đâu!

Sau đó bà cần đi thẳng vào vấn đề: anh/chị đang thiếu tiền đúng không? đừng lo, tôi có ekip chuyên nghiệp, từ chụp ảnh đến đăng bài, cam kết.

Nhưng tiếc cho người phụ nữ này là chẳng có nghề nào là nghề "môi giới lòng tốt" cả. Và khi đã có ý định âm thầm lấy lòng tốt của người quyên góp để trục lợi trên hoàn cảnh đáng thương của người bệnh thì chị đã giống 1 kẻ lừa đảo hơn là 1 người môi giới rồi.

Thực tế, sau khi biết hành vi của mình bị bại lộ, thì với thái độ thành khẩn, người phụ nữ ấy đã trả lại tiền cho gia đình các bệnh nhân. Thế nhưng với những người thực hiện chương trình Chuyển động 24H, vẫn còn 1 nỗi lo nữa. Đó là giả sử: thực sự có 1 trường hợp bệnh nhân ngoài kia đang rất cần sự giúp đỡ, mà chỉ vì loạt câu chuyện tiêu cực này, độc giả lại đột nhiên rụt rè trong việc ủng hộ thì sao?

Thế nên, có 3 việc cần phải lưu ý ở đây:

+ Hãy trao tiền ủng hộ cho người mà mình biết rõ và thực sự tin tưởng

+ Mỗi bệnh viện đều có phòng Công tác xã hội, quý vị có thể trực tiếp liên hệ để nắm tình hình các bệnh nhân cần sự giúp đỡ. Đã tốt, hãy tốt đến cùng.

+ Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện có lẽ cùng cần chủ động hơn trong việc trở thành đầu mối đưa thông tin đến cộng đồng về những trường hợp người bệnh đang cần sự giúp đỡ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước