Hiện tại, người dân các xã miền núi đang khẩn trương thu hoạch trên diện tích bị thiệt hại để trồng lại rừng. Tuy nhiên, khó khăn phát sinh lúc này là khan hiếm giống và giá giống cây lâm nghiệp đang tăng rất cao.
Gần 10 ngày nay, rất đông nông dân trồng rừng trên những diện tích dọc ĐT 643 đi qua các huyện Tuy An và Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên tập trung khai thác rừng trồng. Điều dễ thấy là tất cả các vườn keo đều ngã đổ và cây còn rất nhỏ, mới ở năm thứ 2 hoặc 3.
Rừng keo xơ xác sau bão lũ.
Rừng keo 3 năm tuổi đang xanh tốt của chị Nguyễn Thị Trai tan tác sau bão. Nếu không ngã đổ, có thu hoạch keo non bán ít nhất cũng 40 triệu đồng nhưng sau bão ngã đổ bán chỉ được gần 10 triệu đồng. 1 ha keo đầu tư ban đầu 24 triệu đồng và chăm bón đến thứ 3, suất đầu tư lên đến 30 triệu đồng.
Sau bão số 12, tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, diện tích keo ngã đổ lên đến hơn 700 ha, với tỷ lệ thiệt hại thấp nhất 30%, cao nhất 70% diện tích. Phần lớn rừng trồng bị thiệt hại còn nhỏ nên thu hoạch bán giá không được là bao. Nhiều hộ sau thu hoạch đang xoay sở vốn để trồng lại rừng.
1 ha keo bị ngã đổ 30-70% thu vào chỉ bằng 1/3 so với đầu tư ban đầu. Đã vậy, sau thu hoạch rừng ngã đổ muốn đầu tư trồng lại rất khó vì giống khan hiếm do số hộ trồng rừng phát sinh sau bão tăng lên. Lúc này, giá keo giống tăng lên đến 1.100 đồng/cây nên thiếu vốn trồng lại rừng sau bão là điều hầu hết người dân gặp phải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!