Thực tế cho thấy, cứ hễ nơi nào mất rừng, nhất là rừng nguyên sinh thì ngay lập tức nơi ấy trở thành vùng đất dễ hứng chịu lũ lụt trầm trọng. Chẳng hạn ở miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, vào lúc này, không ít khu dân cư rơi vào cảnh sống bất an bởi chỉ sau một trận mưa lớn, lũ lại dồn dập. Theo người dân trong vùng, điều tồi tệ này chỉ xảy ra trong những năm gần đây khi nơi đây là điểm nóng phá rừng làm rẫy.
Cả thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua, hầu như người nào cũng ở nhà. Tình cảnh giống như hồi giữa năm, lúc đó cả làng hứng chịu nắng hạn. Còn bây giờ, đã có mưa, canh tác được nhưng chẳng mấy ai dám đi rẫy bởi bây giờ, cứ hễ mưa to, lũ lại đổ về, đi rẫy rất nguy hiểm. Tuần trước đã có người mắc kẹt trong rẫy, không thể về nhà.
Miền núi Khánh Vĩnh là điểm nóng phá rừng, chiếm đất sản xuất.
Nhiều năm qua, miền núi Khánh Vĩnh là điểm nóng phá rừng, chiếm đất sản xuất. Chẳng hạn như ở khu vực rừng nằm trên địa bàn xã Khánh Thành, những tháng trước, hàng chục hộ gia đình ào ạt vào rừng, phát dọn 18 ha để chiếm đất sản xuất. Năm ngoái, chỉ tính trên lâm phần 41.000 ha do Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý, có đến 18 vụ lấn chiếm đất rừng. Một điều dễ thấy, một khi rừng nguyên sinh biến thành đất rẫy, cho dù người dân có trồng rừng kinh tế trên đất rẫy không giảm được lũ lụt như rừng nguyên sinh.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, trên cả nước, trung bình mỗi năm mất đi khoảng 2.400 ha rừng. Bởi vậy, nhiều cảnh báo được đưa ra, với đà suy giảm rừng, mức độ thiên tai sẽ không dừng ở con số 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất mỗi năm như lâu nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!