Nguồn nước tưới ô nhiễm, người dân “kêu trời”

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/03/2024 06:08 GMT+7

VTV.vn - Nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nhiều năm qua đã khiến nhiều vụ mùa của bà con ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, rơi vào cảnh thất bát.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vốn là niềm tự hào của người dân miền Bắc, nơi cung cấp nguồn nước tưới chủ lực cho cả vùng, nay lại là nỗi khiếp sợ của nông dân. Với những hộ trồng lúa ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, chính nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nhiều năm qua đã khiến nhiều vụ mùa của bà con rơi vào cảnh thất bát.

Nước sông đen ngòm được bơm vào hệ thống kênh nội đồng. Cứ ngày nào bơm nước, không ai dám đi qua đoạn đường này bởi bọt bốc lên, mùi hôi gây nhức đầu. Ông Mạnh (xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) và bà con trong làng biết là ô nhiễm, nhưng không có nguồn nước nào thay thế.

"Cấy phải cần nước, nhưng nước ở đây không còn chỗ nào bơm vào, chỉ nhờ mỗi con sông Bắc Hưng Hải. Bây giờ không bơm lên thì không có nước. Bơm lên thì mùi hôi thối, người lớn không chịu được, phải đóng hết cửa nhà", ông Nguyễn Văn Mạnh, xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên, chia sẻ.

Nguồn nước tưới ô nhiễm, người dân “kêu trời” - Ảnh 1.

Cứ ngày nào bơm nước, không ai dám đi qua đoạn đường bởi bọt bốc lên, mùi hôi gây nhức đầu.

Nước bẩn cứ len lỏi vào từng ruộng, mạ cấy xong lại chết vì thối rễ. Một số hộ kiên trì cấy dặm lại đến lần thứ ba nhưng cũng không dám chắc mạ trụ nổi với nguồn nước thiếu vệ sinh.

Bỏ ruộng giờ không chỉ là ý nghĩ mà đã thành hiện thực. Nhìn từ trên cao thấy rõ, thay vì đồng xanh tốt cả một, hiện nay nhiều hộ bỏ trắng, bởi có cố vớt vát cũng đã lệch khung thời vụ, lúa dễ gặp sâu bệnh. Bà Đào (xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) cùng không ít hộ trong xóm coi như vụ đông xuân này là bỏ, không tính đến chuyện lời lãi từ cây lúa.

"Nước vào đến đâu mạ, lúa chết đến đấy, nên nhiều hộ ở xóm tôi bỏ ruộng gần 2 phần, dưới kia người ta bỏ hết", bà Lê Thị Đào, xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên, cho biết.

Trồng lúa thì lúa chết, trồng cây ăn quả cũng kém hiệu quả, người dân xã Đồng Than vẫn nói vui với nhau rằng đúng là Đồng Than, ra đồng là than trời vì nước ô nhiễm, bà con vẫn tự hỏi không biết bao giờ nguồn nước mới trong xanh trở lại để an tâm sản xuất.

Vận hành trạm bơm dã chiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Câu chuyện của người trồng lúa ở Hưng Yên chịu ảnh hưởng nặng nề từ nguồn nước ô nhiễm chỉ là một trong nhiều vùng sản xuất bị thiệt hại từ hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Bởi hiện nay, hệ thống kênh này cung cấp nước tưới cho 110.000 ha đất canh tác, nước phục vụ nuôi trồng thủy sản là 12.000 ha.

Chính từ mong mỏi của người dân và tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề, vào tháng 7/2023, Chính phủ đã phải tổ chức một cuộc họp bàn giải pháp cứu lấy hệ thống sông này.

Chỉ đạo tại hội nghị , Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không "đưa lên, đẩy xuống", phải tìm ngay ra giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm.

Chính từ chỉ đạo quyết liệt này, nhiều giải pháp cả tình thế và lâu dài đã được triển khai. Ngày 27/3, trạm bơm dã chiến tại cống Xuân Quan có nhiệm vụ làm giảm ô nhiễm cho hệ thống Bắc Hưng Hải, đã chính thức vận hành.

8 máy bơm sẽ vận hành liên tục, bổ sung một lượng lớn nước cho hệ thống sông Bắc Hưng Hải, qua đó tạo một dòng chảy, làm giảm lượng nước ô nhiễm cho hệ thống này theo cơ chế tự làm sạch sông.

Đây cũng là công trình kỷ lục khi lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam thiết kế và vận hành thành công hệ thống bơm chìm, thời gian thi công chỉ vỏn vẹn 2 tháng theo yêu cầu của Chính phủ.

Tháng 4/2024, công trình sẽ tiếp tục hoàn thiện phần cảnh quan. Không chỉ giảm ô nhiễm cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, mà trạm bơm dã chiến này còn điều tiết nước phục vụ tưới tiêu mùa khô hạn.

Thái Lan bảo vệ tài nguyên nước

Phải bảo vệ nguồn nước mới có thể điều tiết được, những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải, các nước xung quan cũng phải đối mặt. Thái Lan - một quốc gia có nhiều điểm tương đồng về khí hậu cũng như thổ nhưỡng với nước ta. Đây cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo và trái cây lớn của thế giới. Chính vì vậy, nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Bảo vệ tài nguyên nước được coi là chiến lược then chốt của nước này nhằm đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển.

Để bảo vệ nguồn nước, Thái Lan đã ban hành Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia với nhiều nội dung, trong đó có nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải chi trả", tức là người gây ô nhiễm sẽ phải trả phí khắc phục sự cố.

Theo đó, nếu vi phạm được phát hiện hay các chủ nguồn thải không thực hiện đúng theo yêu cầu sẽ bị phạt thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cuối năm 2022, một công ty tái chế chất thải nguy hại có trụ sở tại tỉnh Rayong đã bị Tòa tuyên phạt phải bồi thường hơn 562.000 Euro cho những người dân bị ảnh hưởng do công ty này đã gây ô nhiễm môi trường và nguồn cung cấp nước địa phương.

Trước đó, người dân tại một ngôi làng ở tỉnh Ratchaburi cũng đã thắng kiện một công ty sau khi công ty này bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ.

Ngoài đạo luật trên, Thái Lan cũng ban hành các quy chuẩn xả thải và tiêu chuẩn nước mặt; đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý lưu vực để kiểm soát nước thải từ các khu dân cư tập hay các khu đô thị, khu công nghiệp.

Cùng với đó, Thái Lan còn xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý chất lượng tất cả lưu vực sông ở nước này, trong đó ưu tiên xây dựng các cơ sở xử lý nước thải cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp tại các lưu vực sông lớn.

Chiến lược hồi sinh những dòng sông

Thái Lan có những quy định chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh với những hành vi xả thải và chính người dân cũng thể hiện tiếng nói và quyền lợi của mình để bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho nông nghiệp.

Với hệ thống sông Bắc Hưng Hải, mỗi ngày, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp nhận khoảng 500.000 m3 nước thải từ các khu đô thị, các khu công nghiệp. Do đó để giải quyết vấn đề ô nhiễm hiệu quả cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, việc sử dụng trạm bơm dã chiến là bước khởi đầu. 

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý. Từ đây, nhiều giải pháp căn cơ và chiến lược lâu dài giúp hồi sinh các dòng sông đã được các địa phương và các bộ ngành nghiên cứu, triển khai trong thực tế.

Hưng Yên đã áp dụng mô hình đập trên kênh, tận dụng các trạm bơm tiêu úng, tích trữ lại các nguồn nước vào những ngày có mưa lớn, hoặc những ngày hồ thủy điện xả nước. Đây là giải pháp có thể trữ nước cho tưới tiêu theo từng vùng trong vòng nửa tháng.

Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tính toán xây dựng các đập dâng tại các công trình thủy lợi trọng yếu để tăng khả năng tích trữ nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Tuy nhiên phương án này cũng cần được tính toán kỹ lưỡng về mặt địa chất và bài toán hiệu quả kinh tế để đạt được đúng mục đích của một đập dâng bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tưới tiêu hợp lý của mỗi hộ dân trong canh tác cũng sẽ là giải pháp giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn trên cả nước không chỉ giúp bảo vệ nguồn nước cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, việc hồi sinh các dòng sống ô nhiễm còn góp phần giúp bảo vệ môi trường.

Rác thực phẩm rò rỉ nước, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm Rác thực phẩm rò rỉ nước, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm

VTV.vn - Rác thực phẩm cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được phân loại đúng cách. Đây là loại rác gây ô nhiễm môi trường do tạo nước rỉ rác khi phân hủy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước