Nhiều năm, một số xã tại huyện Chương Mỹ đã quen với cảnh sống chung với lũ.
Nhưng để tìm ra phương án hữu hiệu, giải quyết bền vững tình trạng trên chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.
"Chuyện thường ngày ở huyện"
Năm 2008, đê sông Bùi vỡ hai điểm, nước tràn vào khu dân cư, người dân "sống chung với lũ" (theo đúng nghĩa đen đầy đủ nhất) sau gần 2 tháng nước mới rút. Tháng 10 năm 2023, đê sông Bùi lại vỡ sau đợt mưa lớn khiến nhiều khu vực huyện Chương Mỹ, trong đó có xã Nam Phương Tiến ngập sâu cả tháng.
Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đến thị sát vùng lũ tại huyện Chương Mỹ
Còn trong năm 2024, từ ngày 24/7 kéo dài ra nhiều ngày sau của tháng 8, bốn xã của huyện Chương Mỹ gồm: Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Xuân Mai bị ngập nặng, có nơi sâu hơn 3m.
Thống kê sơ bộ của UBND huyện Chương Mỹ, trận mưa lũ vừa qua đã làm ngập, ảnh hưởng 1.183ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.703ha nuôi trồng thủy sản, 4.893 gia súc và 184.912 gia cầm... Giao thông nội đồng bị ngập giảm từ 15.000 xuống 7.000m. Tổng chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở là 12.110 m. Mực nước sông Bùi trên mức báo động 3 (mức nguy hiểm nhất), uy hiếp nhiều tuyến đê. Đê sông Bùi, sông Đáy đi qua Chương Mỹ đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở, rò rỉ, bục thân khiến nước tràn vào làng xã.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn (xóm Đông, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) chia sẻ với PV VTV Times
Chia sẻ với VTV Times, bà Nguyễn Thị Nhẫn (xóm Đông, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) cho biết, 12 ngày vợ chồng bà bị cô lập hoàn toàn bởi nước ngập. "Nước ngập quá nửa nhà, chúng tôi phải kê 5 viên gạch to để "đôn" chiếc giường lên khỏi mặt nước. Khi ngủ, phải bơi thúng đến rồi mới trèo được lên giường. Ăn uống khổ cực, bất tiện. Cơ bản mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm. Còn lại là khoai, mì tôm, đồ ăn nhanh."
Còn chị Đỗ Thị Yên (cùng trú xóm Đông, thôn Nam Hài) cũng cho biết: "khổ cực nhất là việc tắm giặt. Nhịn ăn còn được chứ nhịn tắm sao chịu cho nổi. Chúng tôi toàn đợi trời mưa mới tắm. Còn khi ráo tạnh, làm gì có nước sạch để vệ sinh, tắm rửa."
Rất nhiều nỗi vất vả người dân vùng lũ đã phải trải qua
Nhiều người dân ở Nam Phương Tiến cho biết, do đã quá quen với việc ngập lụt nên nhà nào cũng có một hai chiếc thuyền, mủng để sẵn phòng khi nước ngập.
"Có thể nhiều người sẽ bất ngờ nhưng ở xã Nam Phương Tiến, thuyền, mủng là những "vật cứu thân" quan trọng của bà con. Những ngày mưa vừa rồi, biết nhu cầu của người dân rất lớn nên giá thuyền mủng tăng cao chóng mặt." - một người dân cho biết.
Nguyên nhân nào khiến Chương Mỹ trở thành rốn lũ?
Theo đại diện UBND huyện Chương Mỹ, đợt lụt vừa xảy ra đã là lần thứ tư trong vòng 15 năm trở lại đây, người dân hàng chục xã vùng ven sông Bùi như: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên… rơi vào cảnh ngập lụt lớn khi mùa mưa lũ đến. Trước đó, hàng nghìn hộ dân nơi vùng "rốn lũ" của huyện Chương Mỹ cũng phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng trong các đợt mưa lũ của các năm 2008, tháng 10/2017 và tháng 7/2018.
Nhiều nguyên nhân khiến một số xã của huyện Chương Mỹ trở thành "rốn lũ"
Lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đổ về, khiến mực nước sông Bùi lên cao có lẽ là nguyên nhân lớn nhất" – Phó Chủ tịch UBND Xã Tốt Động Phạm Văn Quyền đưa quan điểm.
"Sông Bùi chảy từ Hòa Bình về qua Chương Mỹ (Hà Nội), cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ. Diện tích lưu vực sông Bùi hơn 1.240 km2. Chính vì vậy chưa nói đến việc đê bị vỡ, chỉ cần nước ngập, tràn, là cả vùng trũng mấy xã xung quanh sẽ bị ngập trong nước. Đợt lũ vừa rồi, thời điểm cao nhất, cơ quan đã khí tượng đã đo được lượng mưa lên tới trên 400mm. Đó là mức rất cao và sau một thời gian ngắn, nhiều nơi trong xã chìm trong biển nước"- Đại diện UBND huyện Chương Mỹ thông tin.
Thời cao điểm, nước ngập quá đầu bà Nguyễn Thị Nhẫn
Chia sẻ với VTV Times, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh cũng chung quan điểm: "Ở một số xã của huyện Chương Mỹ trong đó có Nam Phương Tiến cứ mưa khoảng trên 200mm là đê sông Bùi sẽ bị tràn. Năm nay mưa to, khu vực Xuân Mai, thời điểm cao nhất cơ quan khí tượng đo được là 743mm. Riêng Nam Phương Tiến là 300-400mm. Ngày 23/7 mưa to và lâu đến sáng 24 là nước bắt đầu tràn, khởi đầu cho trận đợt lụt kéo dài nửa tháng."
"Đê Bùi 1 cao trình thiết kế 7m, đê Bùi 2 cao trình thiết kế 6,5m. Nếu nước cao hơn mức trên là sẽ ngập. Chúng tôi cũng đã có lần đề xuất tôn tạo đê nhưng chưa thực hiện được, vì nếu phía chúng tôi tôn đê lên thì phía tả Bùi sẽ bị ảnh hưởng. Cân nhắc nặng nhẹ nên trên cấp trên vẫn chưa quyết định" – Ông Lê Văn Lanh cho biết thêm.
Cần một giải pháp lâu dài bền vững
Trao đổi với VTV Times, đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết, nguyên nhân, giải pháp giải quyết vấn đề ngập lụt của địa phương đã được đưa ra rất nhiều lần. Các nhà khoa học từ Trung ương cho đến Thành phố Hà Nội cũng đã tham gia, triển khai không ít đề tài khoa học nhằm tìm giải pháp tiêu úng và phòng, chống lũ lên trên sông Bùi.
Sau 12 ngày ngập lụt, ngày 5/8 việc di chuyển vào xóm Đông thôn Nam Hài vẫn phải sử dụng thuyền
"Xây dựng hồ chứa và hệ thống kênh dẫn để cắt lũ rừng ngang, hay nâng cấp tổng thể hệ thống đê sông Bùi cũng đã được đề cập nhưng hiệu quả bền vững lâu dài thì chưa có.
Còn "người trong cuộc", người có nhiều năm sống cùng với lũ tại "rốn rũ" của huyện Chương Mỹ, phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh cho rằng, để giải quyết vấn đề ngập lũ thì việc nâng cao cao trình đê là việc không thể không làm. "Chúng tôi mong muốn cao trình đê được nâng cao. Tiếp đó là việc nâng cấp và nâng cao hệ thống giao thông nông thôn cũng sẽ được quan tâm. Hệ thống giao thông nâng cao, khi xảy ra lụt, các thôn xóm sẽ không bị cô lập".
Người dân thu dọn lại đồ sau những ngày ngập lụt
Theo ông Lanh việc di dân ra khỏi khu vực thoát lũ cũng đã được đề cập nhưng để thực hiện nó thì không hề dễ dàng. "Người dân sống hàng trăm năm, các di chỉ, di tích gắn liền với cuộc sống của họ, giờ để đi đến một nơi khác là khó. Phương án tính đến là làm sao, để người dân có thể sống chung với lũ, sống an toàn với lũ nên được tính đến".
Thông tin tới VTV Times, đại diện UBND huyện Chương Mỹ cũng cho biết, việc nâng cao cao trình đê cũng là một giải pháp quan trọng. "Nhưng phải nâng cao cả hai đê tả, hữu sông Bùi. Như vậy mới đảm bảo an toàn cho Hà Nội và các xã còn lại của Chương Mỹ. Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp & PT Nông thôn làm chủ những đề tài, phương án chống lụt. Hiện Sở đã có quy hoạch. Vấn đề chỉ là thời gian và nguồn lực thực hiện."
Nhiều khó khăn người dân phải đối mặt sau những ngày ngập lụt
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay Thành phố Hà Nội cũng đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu thoát nước dọc sông Bùi.
Đến thời điểm này, các dự án vẫn đang được chủ đầu tư tích cực triển khai; sau khi hoàn thành, những phương án này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ ngập lụt cho các địa phương vùng ven sông Bùi như: Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!