Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”?

Trần Bình-Thứ năm, ngày 01/04/2021 08:21 GMT+7

Khu vực bán vé và ngồi chờ của Bến xe Miền Đông mới vắng vẻ ngày cuối tuần (ảnh chụp ngày 28/3).

VTV.vn - Tại sao một bến mới có cơ sở vật chất khang trang, quy mô lớn nhất cả nước, được đầu tư bài bản lại "ế ẩm" dù đã chính thức đi vào hoạt động từ nhiều tháng nay?

Bến mới, bến cũ, bến cóc cùng hiện hữu?

Bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, TP. Thủ Đức) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2020, trong giai đoạn đầu, để tạo thói quen cho hành khách và doanh nghiệp, xe ở 22 tuyến hoạt động với cự ly 1.100 km, từ Quảng Trị trở ra phía Bắc, được đón trả khách song song tại 2 bến cũ và mới.

Đến ngày 13/3/2021, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu toàn bộ xe khách chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh đi Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc phải bắt buộc vào Bến xe Miền Đông mới hoạt động, nhằm nhanh chóng đưa bến xe này vào hoạt động ổn định. Nhưng đến nay, hơn nửa tháng từ quyết định trên, Bến xe miền Đông mới vẫn trong tình trạng im lìm "chờ xe, đợi khách".

Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”? - Ảnh 1.

Khu vực bến xuất phát cũng trong tình trạng "im lìm" tương tự.

Ghi nhận tại Bến xe Miền Đông mới chiều 28/3, dù là ngày cuối tuần nhưng tại Bến xe Miền Đông mới chỉ có lác đác vài hành khách và một số nhân viên phục vụ bến xe như bảo vệ, lao công, nhân viên bán vé... Đây là khung cảnh khó tưởng tượng của một bến xe quy mô lên đến 16ha.

Nguyên nhân khiến lượng khách vắng "như chùa bà đanh" ở bến xe mới này vì phần nhiều hành khách cho rằng bến xe nằm ở vị trí xa trung tâm, khó khăn trong việc di chuyển.

"Không có xe trung chuyển xuống bến xe mới, nếu tự di chuyển sẽ tốn thêm chi phí và thời gian. Nên tôi nghĩ, nếu muốn khách xuống bến mới, bến xe, nhà xe phải đầu tư phương tiện di chuyển miễn phí cho hành khách", anh Trần Công Thuận (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Tuy nhiên lý do chính khiến bến xe mới "ế ẩm" là vì sự bùng phát của "xe dù, bến cóc". Đối lập cảnh vắng vẻ trong bến mới, thì bên ngoài, trong bán kính chỉ vài kilomet tính từ bến xe mới, có đến 3 "bến cóc" phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Có thể điểm qua ba "bến cóc" này như sau: khu vực trước cổng Khu du lịch Suối Tiên; khu vực đối diện Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và khu vực trước Lotte Cinema Thủ Đức.

Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”? - Ảnh 2.

Xe dù, bến cóc nằm đối diện Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, cách Bến xe Miền Đông mới 4km.

Ở những khu vực này, hầu hết trong các khung giờ đều tấp nập "xe dù" ra vào đón khách. Đặc biệt, trong khung giờ từ 7h-9h hay 15h-19h do lượng khách cần đón, trả rất đông nên cả người và xe chen lấn nhau ra giữa lòng đường, gây mất an toàn giao thông. Đây là các điểm nhiều người thường gọi điện đặt vé trước và đến chờ xe, hoặc khách vãng lai tới đón, khi lên xe mới trả tiền vé.

Còn ở khu nội thành, ngay đối diện Bến xe miền Đông cũ, từ nhiều năm nay vẫn luôn tồn tại hai bến xe trá hình tại địa chỉ số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh).

Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”? - Ảnh 3.

Hai bến cóc tại địa chỉ số 391 và 397 (đối diện Bến xe Miền Đông cũ) nhộn nhịp xe ra vào đón, trả khách.

Mới đây, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đề nghị UBND quận Bình Thạnh chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng ô tô trên địa bàn quản lý, nhất là 2 bãi xe có địa chỉ nêu trên. Tuy nhiên, đến nay 2 "bến cóc" này vẫn ngày đêm hoạt động đón, trả khách.

Thấy khó nên lách luật?

Tuy nhiên, còn một thực tế nữa, là một số doanh nghiệp, nhà xe vịn vào Bến xe Miền Đông cũ đang tồn tại nên vẫn cố chấp trụ lại hoạt động.

Trong vai một người muốn mua vé xe từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chiều 30/3, phóng viên liên hệ nhà xe Tín Nghĩa (nhà xe chuyên chạy tuyến Bắc - Nam) để đặt mua vé. Khi phóng viên thắc mắc về điểm xuất phát là bến cũ hay bến mới, thì người tư vấn của nhà xe này nhanh chóng trả lời là "xuất phát tại Bến xe Miền Đông cũ".

Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”? - Ảnh 4.

Xe khách Tín Nghĩa rời cổng số 3, Bến xe Miền Đông cũ lúc 19h ngày 31/3.

"Xe vẫn xuất phát từ bến xe cũ như bình thường, nhưng nếu anh muốn đón ở bến mới thì vẫn được, vì xe phải từ bến cũ di chuyển qua bến xe mới để làm thủ tục chốt sổ thì mới đi được", nhân viên nhà xe Tín Nghĩa nói qua điện thoại.

Tương tự, phóng viên liên hệ tiếp vào số điện thoại đặt vé của nhà xe Phượng Hoàng (nhà xe chuyên chạy tuyến Bắc - Nam), nhân viên tư vấn giới thiệu tiếp qua số điện thoại của lái xe nhà xe này. Trao đổi với phóng viên, lái xe này vẫn tư vấn điểm xuất phát là Bến xe Miền Đông cũ.

"Bến xe Miền Đông mới thì hoạt động từ lâu rồi, nhưng ngoài đó chỉ toàn cây với cỏ thôi chứ làm gì có khách ở đấy", lái xe nhà xe Phượng Hoàng tư vấn qua điện thoại.

Liên hệ tiếp tục một số nhà xe khác, thì câu trả lời từ các nhà xe là vẫn xuất phát từ Bến xe Miền Đông cũ như bình thường để đi lộ trình từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Và tại các website bán vé của các nhà xe này, cũng trong tình trạng tư vấn tương tự. Như vậy có thể thấy, nhiều nhà xe đã và đang lách luật, tiếp tục hoạt động đón trả, khách trái phép tại Bến xe Miền Đông cũ.

Nhà xe còn lách luật thì đến bao giờ Bến xe Miền Đông mới hết “ế”? - Ảnh 5.

Website của nhà xe A Ba vẫn tư vấn điểm xuất là tại Bến xe Miền Đông cũ (292 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh) trong lộ trình từ TP. Hồ Chí Minh đi TP. Hà Nội

Nếu tình trạng "bến cóc, xe dù" và đón, trả khách trái phép tại Bến xe Miền Đông cũ (đối với các tuyến từ Quảng Trị trở ra phía Bắc) còn kéo dài, không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm, thì liệu một bến xe quy mô như Bến xe Miền Đông mới bao giờ mới thoát cảnh "ế ẩm". Có chăng một dự án nghìn tỷ sẽ tiếp tục bị lãng phí...theo thời gian.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước