Mặc dù biết việc cắt tỉa cây là để tránh bật gốc, gãy đổ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lốc, nhưng việc cắt tỉa quá nhiều cũng đã ảnh hưởng đến bóng mát và mỹ quan đô thị.
Tại công viên Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nhiều cây xanh bị cắt trụi cành, chỉ còn lại chút lá, đứng sừng sững như những cột trụ giữa công viên. Khoảng chục cây me tây, cây bàng đang trong tình trạng như thế này.
Còn tại đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, hàng cây hai bên đường cũng bị cắt sát. Người dân cho biết, hiện bóng mát chỉ còn khoảng 20% so với lúc chưa cắt.
Nhiều cây xanh bị cắt trụi cành ảnh hưởng đến bóng mát và mỹ quan đô thị. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Theo TS. Chế Đình Lý, việc cắt trụi cây xanh chỉ áp dụng cho một số loại cây nhanh đâm chồi và chỉ triển khai vào đầu mùa mưa. Khi cây mọc cành mới, cành không to nên sẽ đảm bảo an toàn và công nhân chăm sóc không phải cắt tỉa nhiều lần.
"Trong chuyên môn, cắt trụi cây xanh như vậy gọi là cắt thấp và kỹ thuật này không áp dụng cho tất cả các loại cây. Hạn chế của kỹ thuật này là làm giảm bóng che và xấu cảnh quan. Khi cành to quá, mưa bão ập tới thì không an toàn cho cộng đồng", PGS. TS. Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân khi TP Hồ Chí Minh vào mùa mưa, Sở Xây dựng thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn. Tuy nhiên, việc cắt tỉa quá tay khiến những hàng cây xanh trơ thân, trụi lá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!