Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm

Anh Tuấn, Nguyễn Phương, Tài Vũ-Thứ hai, ngày 06/06/2022 12:15 GMT+7

VTV.vn - Nước mưa hòa cùng nước thải hóa chất đen ngòm. Độc hại tiếp tục lại bao trùm lên cuộc sống người dân từ các cơ sở tái chế giấy ở Bắc Ninh.

Khi nước thải bủa vây

Câu chuyện nhiều doanh nghiệp sản xuất tái chế phế liệu giấy xả thải bẩn ra môi trường, hủy hoại dòng sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã từng được Chuyển động 24 giờ phản ánh cách đây hơn 1 năm trước.

Trong 1 năm qua, gần 60 doanh nghiệp tái chế giấy vi phạm đã bị xử lý, với tổng số tiền phạt gần 19 tỷ đồng. Mới đây, vào ngày 27/4 vừa qua, địa phương này tiếp tục có chỉ đạo nóng xử lý tình trạng xả thải bẩn ra môi trường, trong đó kiên quyết rút giấy phép vận hành của những cơ sở không đạt yêu cầu.

Đã có những chuyển biến nhất định trong vấn đề môi trường tại phường Phong Khê và Cụm Công nghiệp Phú Lâm nhưng kiểm soát triệt để thì chưa.

Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm - Ảnh 1.

Sau một trận mưa lớn kéo dài, tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, cả một khu vực bị chìm ngập trong nước. Nhưng thứ nước ngập này còn trộn lẫn cả nước thải chứa đủ thứ hóa chất của nhiều cơ sở tái chế giấy trên địa bàn. Màu đen ngòm, có lẽ chưa khiến người ta hình dung ra được độ độc hại của nước bẩn ở đây.

Cách đây khoảng 1 năm trước, nước thải từ các cơ sở tái chế giấy trên địa bàn đã từng khiến hơn 1.000 em phải nghỉ học trong nhiều ngày. Năm nay, tình cảnh úng ngập trong nước bẩn lại tái diễn vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua. Không chỉ gây ngập khu dân cư, nước bẩn lại tiếp tục tấn công trường tiểu học, trạm y tế, trụ sở UBND và nghĩa trang liệt sĩ của phường.

Người dân thì chỉ biết kêu trời. Quen hay không thì cũng cứ đành phải chịu thôi. Còn trường học cũng ngập hết, từ nhà xe tới lớp học.

Để giảm thiểu ngập úng, phía Công ty Thoát nước Thành phố Bắc Ninh đã huy động cả người và phương tiện để khơi thông cống thoát, khắc phục tình hình. Nhưng có vẻ như một số cơ sở tái chế giấy chẳng mấy quan tâm đến điều đó. Vì ở cống này, nước thải ra vẫn một màu đen đục, còn ở một cống khác thì nước thải lại là màu trắng sữa, cứ thế, nước thải xả chung vào hệ thống thoát nước của cả phường.

Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm - Ảnh 2.

Hiện tại, trên địa bàn phường Phong Khê có hơn 300 doanh nghiệp tái chế giấy, nằm xen kẽ trong khu dân cư và 2 cụm công nghiệp kế bên. Hoạt động tái chế giấy phế liệu đã tạo nên khoản lợi nhuận màu mỡ cho các ông chủ ở đây.

Trong số ông chủ vẫn ở lại tại phường thì không ít người đã xây cho mình những căn biệt thự bề thế, khang trang. Dù cùng là những người đang chung sống hàng ngày với ô nhiễm ở đây nhưng những hộ dân không có xưởng tái chế phế liệu giấy lại có suy nghĩ của riêng mình.

Có tiền mà sống trong ô nhiễm, đúng là sẽ cảm thấy dễ dàng hơn. Đường có ngập nước bẩn đến đâu thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hoạt động trong các nhà xưởng. Vì ngay từ khi xây dựng, các doanh nghiệp đã toan tính từ trước là xây nền xưởng cao hơn hẳn lòng đường. Nên nếu ngập úng có xảy ra thì chỉ đường xá, trường học và nhà dân… phải hứng chịu.

Địa phương linh động cấp phép vận hành chạy thử cho hàng trăm doanh nghiệp tái chế giấy

Trung bình cứ 1,2 tấn giấy phế liệu, sau khi tái chế, sẽ tạo ra khoảng 1 tấn giấy craft thành phẩm. Sau khi trừ đi các chi phí có thể đạt lợi nhuận gấp rưỡi. Khoản lợi nhuận không nhỏ thu được từ ngành công nghiệp tái chế giấy nhưng phải song song với việc bảo vệ môi trường.

Trước đây, hầu như các doanh nghiệp không mấy quan tâm đến vấn đề này, công khai xả thải bẩn. Đến khi báo chí phản ánh, địa phương vào cuộc, thì mới được siết chặt hơn. Cũng vì thế, cuối năm 2021 vừa qua, địa phương này đã đưa ra chủ trương chỉ cho phép hoạt động khi nước thải của hệ thống máy móc phải tuần hoàn 100%, tức là không có nước thải ra ngoài môi trường.

Trên hồ sơ giấy tờ, theo báo cáo của địa phương, đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp tái chế giấy trên địa bàn phường Phong Khê đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Các dây chuyền sản xuất đều có cùng chung một công nghệ, nguyên lý hoạt động xử lý nước thải giống nhau.

Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm - Ảnh 3.

Với công nghệ tuần hoàn nước thải như vậy, sau khi thẩm định đánh giá, vừa qua, hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp tái chế giấy ở đây đã được cấp phép vận hành chạy thử trong thời hạn 3 tháng. Tại cụm Công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2, việc cấp phép do Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh tiến hành. Còn đối với các cơ sở trong khu dân cư, việc cấp phép do UBND thành phố Bắc Ninh thực hiện.

Hiện nay, 2 cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 dù chưa hoàn thiện các điều kiện về môi trường khi không có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng gần 100 doanh nghiệp đã ồ ạt xây dựng nhà xưởng, tái chế giấy rầm rộ từ nhiều năm nay.

Theo lộ trình của tỉnh Bắc Ninh, ít nhất 8 năm nữa, 2 cụm công nghiệp này mới bị xóa sổ. Còn với những cơ sở trong khu dân cư, thời hạn đóng cửa còn hơn 2 năm.

Phía địa phương khẳng định, hiện tại thì các DN đang vận hành thử nhưng nước thải ồ ạt xả ra môi trường lại là chuyện thật.

Khi thì xả ngầm, khi thì xả thẳng ra sông, khi thì được che giấu bằng tấm tôn để xả ra hệ thống thoát nước chung của phường. Nhưng nước bẩn thì không ai chịu nhận về mình, dù đường cống xả nằm trong nhà xưởng của doanh nghiệp.

Một ngày sau khi nhóm phóng viên quay lại, cống thải này lại được bịt kín như cũ để che giấu đi sự thật là những gì đã được ghi lại được từ trước đó.

Có lẽ nhiều người sẽ có chung một thắc mắc nếu là cống chung thoát nước của phường thì tại sao lại phải che giấu kín kẽ đến như vậy?

Thủ đoạn xả nước thải bẩn ra môi trường

Với đặc thù nước thải phát sinh trong quá trình tái chế giấy là loại nước thải rất khó xử lý, có hàm lượng COD, BOD rất cao nên trên hồ sơ giấy tờ, các doanh nghiệp đều đang tuần hoàn nước thải 100% nhưng trên thực tế thì lại khác.

Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm - Ảnh 4.

Đường ống dùng để xả thải trộm của Công ty TNHH giấy Phương Yến, ở cụm công nghiệp Phong Khê I đã bị cơ quan công an thành phố Bắc Ninh phát hiện vào cuối tháng 3 năm nay. Để che giấu hành vi vi phạm, các đối tượng đã thực hiện chôn kín đường ống xuống dưới đất với chiều dài khoảng 50m. Chỉ đến khi tới đoạn gầm cầu vượt quốc lộ 18 thì mới lộ thiên.

Các đối tượng đã lợi dụng đêm tối để xả thải qua đường ống ở khu vực biệt lập, khi có động tĩnh sẽ khóa van xả. Phải mất rất nhiều thời gian mật phục, cơ quan công an mới bắt được quả tang.

Đáng chú ý, công ty này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn để vận hành thử nghiệm nhưng trong quá trình hoạt động vẫn xả thải ra ngoài môi trường nhằm giảm chi phí. Thực tế đã chứng minh hành vi cố tình thiết kế đường ống trái phép để xả thải nhưng trước ống kính máy quay, phía doanh nghiệp cho rằng chỉ là sự cố xảy ra.

Theo tiết lộ của một chủ xưởng làm giấy tại đây, nếu áp dụng việc tuần hoàn nước thải sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ máy móc cũng như chất lượng giấy đầu ra nên nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách để xả thải chui.

Nhiều cơ sở tái chế giấy xả thải chui, nước sông đen đục vì ô nhiễm - Ảnh 5.

Tại địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, nơi đang có hàng chục nhà máy tái chế giấy hoạt động, lãnh đạo UBND xã cũng thừa nhận, trong thời gian qua vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Sau khi đổ ra hệ thống thoát nước chung trong cụm công nghiệp, nước thải cứ thế chảy thẳng ra các hồ chứa lộ thiên.

Những ngày cuối tháng 5, sông Ngũ Huyện Khê, nơi tiếp nhận nguồn thải của hàng trăm cơ sở tái chế giấy trong suốt bao nhiêu năm qua đã bớt đi màu đen đục. Một phần là bởi mưa lũ kéo dài khiến nước sông được pha loãng nhưng mong muốn dòng sông chết được hồi sinh có lẽ khó có thể thành hiện thực. Vì chỉ mới cách đây 3 tháng, qua cống tiêu Vạn Phúc, nước xả ra từ sông Ngũ Huyện Khê đã khiến sông Cầu phải oằn mình hứng chịu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước