Dẫn chứng một số vụ việc đáng tiếc thời gian qua khi người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài phải đối mặt với nhiều rủi ro, một số đại biểu đề nghị dự luật cần phải quy định cụ thể hơn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Theo ông Tô Văn Tám - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: "Theo thống kê có 70% người lao động Việt Nam bị vi phạm quyền lợi lao động mà không được hỗ trợ xử lý. Giờ cần nhất là Luật này phải có các quy định phải đảm bảo danh dự sức khỏe của người lao động Việt Nam khi đi làm việc nước ngoài".
Ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay: "Lao động bị ép buộc, bị xâm hại, bị bóc lột vẫn phổ biến nhưng các địa phương đang xử lý và trách nhiệm thể hiện hiệu quả khác nhau. Tôi đề nghị phải có trách nhiệm không thể đem con bỏ chợ. Phải có các biện pháp cụ thể quy định trong luật chứ không chung chung".
Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng, với một số lượng lớn các lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trở về nước hàng năm, rất cần các chính sách hỗ trợ họ một cách hiệu quả.
"Người lao động sau khi về nước cần quy định rõ hơn là có chương trình hành động cụ thể" - ông Dương Minh Tuấn - đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Trước đó vào chiều nay, với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo Luật Đầu tư sửa đổi vừa được thông qua, kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị cấm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!