Bởi số lượng nhân viên y tế khối công lập nghỉ việc nhiều đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động khám chữa bệnh. Trước thực tế này, nhiều tỉnh thành đã bàn thảo, ban hành các chính sách hỗ trợ lương, phụ cấp để giúp nhân viên y tế an tâm công tác, phục vụ chăm sóc người bệnh tốt hơn.
Đồng Nai: Áp dụng chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế
Tại Đồng Nai, tỉnh này vừa thông qua chính sách rất được kì vọng được áp dụng từ tháng 1 năm 2023 này. Đó là sẽ chi gần 900 tỉ đồng từ năm 2023 tới năm 2025 hỗ trợ cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh, ưu tiên các cơ sở y tế đặc thù.
Bệnh viện Thống Nhất, Đồng Nai là bệnh viện có số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều thời gian qua, với thống kê hơn 200 nhân viên. Chính vì thế khi HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua chính sách hỗ trợ thì được kì vọng sẽ giữ chân các nhân viên đang có ý định nghỉ việc.
Các mức hỗ trợ được chia ra 6 mức, từ 1 triệu đồng tới 4 triệu đồng 1 tháng. Trong đó dự kiến bác sĩ được nhận 4 triệu đồng, điều dưỡng được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng 1 tháng.
Ngoài ra sẽ còn các mức cho vị trí việc làm phù hợp bao gồm 2,5 triệu đồng/tháng, 2 triệu đồng/tháng, 1,5 triệu đồng/tháng và 1 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/1/2023. Ngoài ra, mức hỗ trợ nhân viên y tế khu phố thuộc các phường, thị trấn là 500 nghìn đồng/người/tháng.
Đối tượng ưu tiên được hỗ trợ trong chính sách được thông qua là nhân viên những đơn vị y tế công lập có tính chất đặc thù, nhiều khó khăn trong thu hút và tuyển dụng và điều kiện, môi trường làm việc.
"Như cơn mưa sau nắng hạn", những chính sách này đã kịp thời động viên nhân viên y tế. Hơn ai hết, các nhân viên y tế đã không khỏi vui mừng vì được quan tâm để họ tiếp tục gắn bó với công việc cứu chữa người bệnh.
Tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, trong số các điều dưỡng đang làm ở đây, có những người đã nghỉ việc vì lương thấp, có người đang có ý định nghỉ. Chính vì thế, khi chính sách thông qua, Trung tâm này yên tâm hơn không lo phải chia tay thêm các nhân viên của mình.
Toàn tỉnh Đồng Nai có tới gần 600 nhân viên Y tế nghỉ việc trong năm 2022, trong đó có khoảng 200 bác sĩ. Chính sách hỗ trợ không chỉ kỳ vọng giúp nhân viên yên tâm công tác mà sâu xa hơn, là để công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tây Ninh: Triển khai gói hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế
Không chỉ ở Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh cũng vừa thông qua gói hỗ trợ cho các nhân viên y tế. Theo đó thì nhân viên y tế làm việc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ được hỗ trợ thêm từ 3 - 4 triệu đồng/tháng lương.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế là giải pháp tích cực để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
TP Hồ Chí Minh: Triển khai nhiều chính sách hướng về y tế cơ sở
Trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, năm qua thành phố cũng đã có nhiều chính sách hướng về một trong những trụ cột quan trọng của y tế là y tế cơ sở. Năm 2023, Sở y tế TP Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở này. Nâng cao thu nhập và có thêm nhiều quan tâm cho nhân viên y tế tuyến cơ sở cũng là vấn đề được đoàn đại biểu quốc hội TP Hồ Chí Minh quan tâm trong cuộc giám sát mới đây.
Theo mong muốn của ngành y tế, mô hình y tế nên là theo mô hình tam giác như thế này tức là chú trọng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do đó thời gian tới sở y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao năng lực y tế.
Năm 2023, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được quan tâm thực hiện các hoạt động về y tế cơ sở như là đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế, nâng tổng số bác sĩ trẻ đang thực hành và làm việc tại trạm y tế lên hơn 400 bác sĩ, tiếp tục luân phiên bác sĩ trẻ về xã đảo Thạnh An.
Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai gói bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ từ WHO. Cải tạo 146 trạm y tế từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Đồng thời đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.
Đề xuất nhiều giải pháp giữ chân nhân viên y tế cơ sở
Mặc dù các tỉnh thành cũng đã có nhiều chính sách hướng về y tế cơ sở, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, ngoài tăng thu nhập thì để giữ chân nhân viên y tế cơ sở cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó nâng cao trình độ chuyên môn là một trong những vấn đề cần được hỗ trợ.
Tăng thu nhập, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao trình độ. Những mong mỏi này kỳ vọng sẽ giữ được chân nhân viên y tế. Đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Bởi đây là tuyến y tế gần người dân nhất. Tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra, y tế cơ sở đã bộc lộ những hạn chế. Việc tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng tuyến y tế này sẽ mang đến nhiều đổi thay giúp người bệnh được hưởng lợi. Trạm y tế tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ là một ví dụ.
Đợt tăng cường đầu tiên này, xã đảo Thạnh An sẽ đón 4 bác sĩ của bệnh viện Nhân Ái và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức xung phong tình nguyện ra đảo. Ngoài khám chữa bệnh, các bác sĩ sẽ chuyển những túi thuốc và dụng cụ sơ cứu trên biển đến các hộ gia đình ngư dân đánh bắt xa bờ.
Theo Bác sĩ Trường là trưởng trạm y tế tại đây, việc một mình là bác sĩ thì vừa khám bệnh, vừa lo thủ tục, quản lý sẽ vô rất áp lực. Chính vì thế, khi có thêm bác sĩ, anh sẽ có thời gian chăm sóc tốt hơn cho bà con, đặc biệt quản lý khoảng 700 người bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…
Dự kiến thời gian tới, trạm y tế xã đảo Thạnh An dự kiến được đầu tư xây mới với các trang thiết bị cần thiết trong cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa. Cùng đó là các đoàn khám bệnh luôn phiên về đây giúp người dân phát hiện sớm hơn các bệnh tình của mình, khi sức khỏe được chăm sóc tốt, người dân càng yên tâm gắn bó với xã đảo thanh bình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!