Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua. Trung bình mỗi năm có khoảng 400 nghìn người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí mua vaccine ước tính hơn 300 tỷ đồng...
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng, tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả nhưng ước tính, hằng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi.
Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt. Thể viêm não xuất hiện triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng.
Thể liệt xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.
Để phòng ngừa bệnh dại, người dân cần thực hiện những biện pháp sau:
- Khi bị súc vật cắn (chủ yếu là chó, mèo) hoặc có vết thương, xây xát sau khi tiếp xúc với súc vật thì nên tư vấn ngay để tiêm phòng dại, không nên trì hoãn.
- Làm nghề thú y hoặc tiếp xúc thường xuyên với chó mèo thì nên chủ động tiêm phòng trước.
- Có 2 phác đồ tiêm phòng dại: tiêm bắp hoặc tiêm trong da, tùy theo vết thương và tùy theo nơi chỉ định.
- Lịch tiêm phòng dại gồm nhiều mũi, với khoảng cách rất gần và khó nhớ, do vậy, cần giữ phiếu tiêm để theo sát lịch tiêm.
- Trong một số trường hợp nặng, có khi cần tiêm thêm huyết thanh kháng dại (ngoài vắc xin)
- Vắc xin dại cũng có thể đổi qua lại được (khi hết vắc xin chẳng hạn), nhưng phác đồ (tiêm bắp hay trong da) thì không thể thay đổi qua lại được.
- Vì bệnh dại gây tử vong 100%, nên dù bệnh nặng, nhẹ, có sốt hay không, phụ nữ có thai đều có thể tiêm phòng dại nếu cần (không có chống chỉ định).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!