Những bước tiến dài từ "vùng trũng" giáo dục

Nguyên Thảo, Tiến Tú, Dương Dũng-Thứ hai, ngày 11/01/2021 12:12 GMT+7

VTV.vn - Vận động, đến tận nhà thuyết phục, hỗ trợ sách vở, đến nay, một số tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu đã có những tín hiệu tích cực. Ngành giáo dục gọi đó là bước tiến dài.

Nghỉ học kiểu… "thời vụ"?

Từ lâu, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn được xem là một trong những vùng trũng giáo dục, bởi khu vực này vẫn còn khó khăn về nhiều mặt. Đặc biệt, tại tỉnh Bạc Liêu, nơi mà ngành giáo dục vẫn luôn đứng trước rất nhiều thử thách suốt bao năm qua từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên.

Những bước tiến dài từ vùng trũng giáo dục - Ảnh 1.

Tại địa phương này có gần 90.000 người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa. Ở đây, mỗi năm luôn tồn tại những khó khăn thường trực về việc huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi.

Chuyển lên thành phố sống đã được 2 năm, đều đặn một ngày bà bữa phụ mẹ đi bán bánh, không ít lần Gia Khang đã nghĩ đến việc thôi học để giúp gia đình kiếm tiền. Nhất là khi mới nhập học, những cản trở về ngôn ngữ và tâm lý chán nản cứ liên tục ập đến khi em là người dân tộc Hoa.

Những suy nghĩ ấy còn bủa vây, ám ảnh tới cả người lớn. Khi vẫn còn những tư tưởng cổ hủ rằng người dân tộc thiểu số không cần quá đề cao việc học chữ và đi học chậm một vài năm cũng chẳng sao.

Không ít những cuộc vận động, những buổi gặp trực tiếp của những giáo viên với phụ huynh. Nhiều trường hợp thầy cô đã thuyết phục được trẻ đến trường nhưng chỉ một thời gian sau đó, những lá đơn nghỉ học liên tục xuất hiện, mà theo các giáo viên ở đây gọi đó là nghỉ học "thời vụ".

Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, tỉnh Bạc Liêu cho biết, các em thường nghỉ học thời vụ để đi làm với gia đình. Dù nhà trường vận động mạnh thường quân để có những suất học bổng nhưng gia đình vẫn đưa ra những lý do để trẻ không tới lớp như giữ em, phụ giúp gia đình. Có những khoảng lặng chúng tôi đi vận động về rất là buồn.

Còn cô La Ngọc Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, nhiều gia đình muốn cho con em đi làm cùng để khi điều kiện kinh tế cao hơn mới cho con em đi học. Tuy nhiên, như vậy thiệt thòi cho các em nên nhà trường luôn cố gắng vận động phụ huynh hiểu và cho con em đến trường đúng độ tuổi.

Tăng cường huy động trẻ em dân tộc thiểu số ra lớp

Đối với nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, để đến trường mỗi ngày vẫn còn là điều khó khăn. Rất nhiều trường hợp tạm dừng việc học ngay sau khi hoàn thành xong cấp tiểu học hoặc THCS. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân về việc học tập của con em còn hạn chế.

Bằng nhiều giải pháp vận động, từ một tỉnh có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường thấp trong cả nước, nay tỉnh Bạc Liêu đã có sự thay đổi đáng kể.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, kết quả phổ cập giáo dục cho học sinh từ mầm non, tiểu học đến THCS thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi tiểu học năm 2020 đạt trọn vẹn 100%. Với lứa tuổi THCS, tỷ lệ này năm nay tăng 19,55% so với năm 2015.

Quyết tâm đưa học sinh dân tộc thiểu số trở lại lớp

Để thực hiện được điều này, thời gian qua, ngành GD-ĐT TP Bạc Liêu đã nỗ lực trong đầu tư xây dựng những giải pháp, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo, đa dạng hóa công tác vận động xã hội cho các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số theo học.

Những bước tiến dài từ vùng trũng giáo dục - Ảnh 2.

Là một trường có số lượng học sinh dân tộc thiểu số học tập đông nhất trên toàn tỉnh Bạc Liêu, chiếm đến 90% tổng số học sinh toàn trường. Thế nên, để có một tiết học có sĩ số đầy đủ là cả một sự nỗ lực không ngừng.

Thầy cô phải đến từng nhà vận động giúp đỡ, nhà trường xin hỗ trợ sách giáo khoa ở nhiều trường bạn để 100% các em được mượn sách để học chứ không cần phải mua. Chính vì vậy, năm học 2020 - 2021, Trường THCS Nguyễn Huệ, tỉnh Bạc Liêu đã vận động 100% học sinh tới trường.

Vận động trẻ tới lớp đã là việc khó và việc giữ trẻ đi học trở lại nhất là sau những dịp lễ tết lại càng thách thức hơn. Khi đó, những tổ tư vấn tâm lý học đường tại trường sẽ đảm nhiệm một vai trò mới. Các giáo viên sẽ tâm sự với các em, đóng vai trò là người cha, người mẹ, người bạn để các em nhận thức và sửa chữa hành vi đúng đắn. Ngoài ra, Phòng giáo dục thường chỉ đạo các thầy cô vừa giỏi Tiếng Việt, vừa am hiểu tiếng dân tộc để hỗ trợ cho các em.

Trong năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bạc Liêu cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh

Dạy tiếng dân tộc trong môn tự chọn của nhà trường

Một trong những lo lắng của các bậc phụ huynh người dân tộc thiểu số khi cho con đi học đó là sợ con sẽ quên đi tiếng mẹ đẻ. Hiểu được tâm lý đó, các nhà trường đã đưa tiếng dân tộc vào dạy học cho các em dân tộc thiểu số ở bộ môn tự chọn.

Một tuần các em sẽ có 3 buổi học tiếng dân tộc. Mỗi khối sẽ tổ chức 1 lớp học tập trung. Trong các buổi học, giáo viên người dân tộc sẽ dạy các em về chữ viết của dân tộc mình, các bộ sách giáo khoa cũng được biên soạn dựa theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Điều này giúp bồi dưỡng cho học sinh tình yêu với tiếng mẹ đẻ, ý thức giữ gìn và phát triển tiếng mẹ đẻ, sử dụng tiếng mẹ đẻ trong gia đình và cộng đồng, trách nhiệm đối với sự phát triển ngôn ngữ dân tộc và giáo dục song ngữ ở địa phương.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Sau khi vận động học sinh dân tộc thiểu số ra lớp thì làm thế nào để các em tiếp thu hiệu quả kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông lại là một bài toán khó đối với các nhà trường. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để tăng cường tiếng Việt cho các em tại tỉnh Bạc Liêu, nhất là ở những huyện có đông người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Những bước tiến dài từ vùng trũng giáo dục - Ảnh 3.

Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu với hơn 50% học sinh lớp 1 là người dân tộc Khmer nên hàng năm, việc tăng cường tiếng Việt được nhà trường chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm. Trước khi vào chương trình chính khóa, các lớp sẽ tổ chức một tuần học tăng cường tiếng Việt để các em làm quen với ngôn ngữ phổ thông nhưng năm nay, việc triển khai đã gặp không ít khó khăn.

Do dịch COVID-19, đầu năm học sẽ không cho tuần đầu tiên là tuần ôn tập, không tăng cường tiếng Việt. Các em ở mẫu giáo lên tiểu học là chưa biết rành về chữ cái, nhiều em được dạy rồi nhưng vẫn không đọc theo được.

Để đảm bảo 100% học sinh lớp 1 dễ dàng tiếp cận chương trình giáo dục tiểu học, giáo viên đã thay đổi cách giảng dạy, lồng ghép nội dung tăng cường tiếng Việt vào các môn học chính khóa trên lớp.

Bên cạnh việc tăng cường tiếng Việt từ các môn học trên lớp, tạo môi trường giao tiếp mỗi ngày cho các em cũng được nhà trường chú trọng. Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được phân bố đều ở các lớp đan xen với học sinh dân tộc Kinh để góp phần giúp các em giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tăng vốn từ.

Những tiết học tích hợp tăng cường tiếng Việt không đặt nặng về kiến thức mà phát huy mọi điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số luyện nói, luyện nghe. Đây là bước đầu tạo tiền đề cho các em tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ và thuận lợi trong việc học các môn chính khóa tại các nhà trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước