Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá

Văn Giang, Phạm Việt, Thành Phương-Thứ hai, ngày 30/05/2022 20:19 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng và cơ quan chuyên môn đã quyết tâm đóng cửa rừng bằng nhiều cách nhưng đóng cửa rừng này lại có hàng loạt cửa khác mở ra.

Cách đây hơn 1 năm, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam có phóng sự điều tra về tình trạng phá rừng đầu nguồn ở vùng giáp ranh của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo các địa phương này và cơ quan chuyên môn đã quyết tâm đóng cửa rừng bằng nhiều cách. Trong đó, có tăng cường thêm nhiều chốt gác ở cửa rừng, rào những đường mòn, lối mở vào rừng. Tuy nhiên, đóng cửa rừng này lại có hàng loạt cửa khác mở ra. Và rừng ở đây vẫn đang tiếp tục bị rút rỗng ruột.

Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 1.

Rào lối vào rừng này...

Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 2.

... đường mòn khác lại được mở.

Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 3.

Lâm tặc chạy trong rừng, cây rừng bị cưa hạ là những hình ảnh được phóng viên VTV thực hiện vào cuối năm 2020 tại cánh rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Khánh Vĩnh.

Giờ đây, con đường mòn dẫn vào rừng đã được rào lại khá kiên cố nhưng cách vị trí rào khoảng 200 m, một con đường mới lại mở ra.

Từ Km 45 đến Km 70 trên đèo Khánh Lê có hàng chục con đường mòn để kéo gỗ. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, phóng viên quyết định vào một khu rừng nguyên sinh. Vừa tiếp cận cửa rừng thì phát hiện 1 người đang cảnh giới cho nhóm làm gỗ.

Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 4.
Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 5.
Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 6.
Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 7.

Lần theo tiếng cưa xẻ gỗ, băng cắt qua nhiều khu rừng già, phóng viên gặp không biết bao nhiêu cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị cưa hạ. Nhiều cây còn chưa khô lá.

Các súc gỗ lớn được cưa xẻ vuông vức, nằm la liệt trong lõi rừng. Phóng viên đã tiếp cận được nhóm người đang dùng máy kéo gỗ giữa rừng già. Câu chuyện rút lõi rừng dần hé lộ.

Lâm tặc tiết lộ họ là người địa phương, chỉ kéo gỗ đi hết đường rừng là có người nhận. Họ không lo bị kiểm lâm bắt vì "có ông chủ lo đường đi rồi".

Khoảng 15h-19h hàng ngày, gỗ được kéo ra khỏi cửa rừng và vận chuyển về làng một cách công khai.

Những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá - Ảnh 8.

Gỗ được vận chuyển công khai giữa ban ngày.

Trở lại Quốc lộ 27 C, nối tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng phóng viên lại phát hiện một nhóm người, tất cả đều mang dao ở thắt lưng đang di chuyển súc gỗ lớn. Điều đáng nói, vị trí họ di chuyển súc gỗ chỉ cách chốt bảo vệ rừng… hơn 1 km.

Công ty TNHH 1 thành viên Lâm sản Khánh Hòa, quản lý bảo vệ hơn 40.000 ha rừng ở huyện Khánh Vĩnh, thừa nhận, vẫn còn nhiều đối tượng phá rừng tự nhiên. Nhưng công cụ và thẩm quyền để ngăn chặn xử lý của chủ rừng còn hạn chế. Việc phối hợp với các đơn vị khác không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Rừng bị hủy hoại nhưng chủ rừng là Công ty Lâm sản Khánh Hòa không có quyền bắt giữ đối tượng phá rừng, thiếu công cụ hỗ trợ khi lâm tặc đe dọa tính mạng khiến rừng bị tàn phá.

Vậy, chính quyền ở địa phương nơi có rừng và Hạt kiểm lâm của huyện Khánh Vĩnh; Đội kiểm lâm cơ động của tỉnh Khánh Hòa đã làm hết chức trách, nhiệm vụ?

Nhiều gỗ to trong rừng gì bị cưa hạ, bỏ ngổn ngang. Có hàng loạt lối mở để vào rừng tự nhiên và cũng có hàng loạt lý do giải thích cho rừng già bị khoét rỗng ruột. Thậm chí, chính quyền địa phương còn cho rằng, không còn trường hợp nào vi phạm lâm luật để xử lý.

Với cách quản lý như vậy, rừng tự nhiên ở khu vực miền Trung - Tây nguyên bị hủy hoại như là điều tất yếu.

Chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên ở Việt Nam có từ năm 2014. Đến nay đã gần chục năm nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Chúng ta không phủ nhận những kết quả trong công tác khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi, giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam, nhưng riêng năm 2019, gần 600 ha rừng bị phá trái phép trên toàn quốc là con số mà chúng ta rất đau lòng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước