"Tháng 7 cô hồn" - nhiều người vẫn hay nói như vậy và mạng xã hội không thể bỏ qua điểm nhấn mang tính xu hướng này. Ngay lập tức, một trào lưu xuất hiện khắp các nền tảng. Thậm chí nhiều em nhỏ bị lôi ra làm nhân vật chính trong clip doạ ma… cho vui.
Nhiều người sẽ nghĩ "dọa một chút có sao đâu, vui mà, cho trẻ con nó trải nghiệm". Tuy nhiên, tâm lý "bình thường thôi mà" này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi dọa dẫm những đứa trẻ đôi khi đã trở thành câu cửa miệng, thành công cụ để người lớn nhắc trẻ con nên làm gì, như chuyện dỗ ăn, dỗ ngủ.
Những bình luận trái chiều về việc trẻ nhỏ bị lôi ra làm nhân vật chính trong clip doạ ma… cho vui
Thật mâu thuẫn khi mọi người đều muốn những đứa trẻ lớn lên thật mạnh mẽ nhưng ngay từ nhỏ ta lại đang vô tình gieo vào chúng những nỗi sợ bằng việc cho xem những video clip dọa ma, những trò đùa quá trớn và những lời dọa dẫm. Đấy là còn chưa nói tới hiệu quả của việc dọa dẫm. Đứa trẻ sẽ vẫn lên giường đi ngủ nhưng tim đập loạn nhịp, vẫn ăn nhưng hệ tiêu hóa sẽ hoạt động không trơn tru. Giống như việc ta vừa làm việc vừa nghe sếp dọa đuổi việc vậy. Có thể công việc sẽ vẫn đúng hạn nhưng hiệu quả đến đâu lại là chuyện khác.
Chủ đề con trẻ bị ảnh hưởng từ việc xem các video clip xấu độc trên không gian mạng không phải điều gì mới. Với trẻ nhỏ, hình ảnh và âm thanh là cách tác động tới quá trình học của bộ não nhanh và trực tiếp nhất và các nền tảng như: YouTube, Facebook, đặc biệt là Tiktok đang thỏa mãn hoàn hảo việc học thông tin này. Thậm chí thuật toán của các nền tảng này còn liên tục được tối ưu để giữ chân người dùng càng lâu càng tốt. Chủ đề này chưa bao giờ hết nóng bởi luôn có những đứa trẻ mới, những ông bố bà mẹ mới xuất hiện và những kênh mạng xã hội mới có thể tác động đến trẻ nhỏ cũng xuất hiện nhanh không kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!