Các chuyên gia tư vấn trong chương trình.
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, mọi người sum vầy, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau chuỗi ngày bộn bề cuộc sống. Thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, năng lượng tiêu hao ít hơn so với ngày thường. Trong khi, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết nạp vào cơ thể lại có năng lượng rất cao, món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều chất béo, chất đạm nhưng ít rau xanh, dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… hoặc khiến người có bệnh nền diễn tiến nặng.
Giờ giấc sinh hoạt và ăn uống trong những ngày Tết thường bị đảo lộn, nhiều người ăn không đúng giờ, thậm chí bỏ bữa, để quá đói, ăn vội, ăn qua loa hoặc ăn bù; thực phẩm ngày Tết bảo quản không đúng cách… làm gia tăng các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính càng dễ mắc bệnh.
Nhằm giúp người dân có thêm các thông tin y khoa hữu ích về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho mọi đối tượng dịp Tết; cách bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn để đón Tết vui khỏe, trọn vẹn, tối ngày 23/01/2024, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Dinh dưỡng hợp lý - Đón Tết như Ý". Livestream có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: TS.BS Lê Bá Ngọc - Trưởng khoa Nội tổng hợp, TS.BS Vũ Thị Thanh - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BS.CKII Dương Thùy Nga - Phó khoa Nhi.
TS.BS Lê Bá Ngọc cho biết, một số bệnh mạn tính không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch,... không thể ngừa bằng vaccine, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Đời sống nâng cao khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa. Đây là nguyên nhân dẫn tới 41 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 74% nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới. Hàng năm có khoảng 17 triệu người tử vong do bệnh mãn tính không lây nhiễm trước tuổi 70. Trong đó, tim mạch là nguyên nhân hàng đầu với khoảng 17 triệu người, tiếp theo là bệnh ung thư, chiếm khoảng 9,3 triệu người, bệnh hô hấp chiếm 4,1 triệu người và tiểu đường 2 triệu người.
Nguyên nhân dẫn tới những nhóm bệnh lý này chủ yếu là do lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá; ít vận động, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh dẫn đến béo phì; ô nhiễm môi trường. Ngoài gây tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, béo phì còn là nguyên nhân dẫn tới hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là căn bệnh nguy hiểm do có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất tập trung, giảm trí nhớ, suy giảm khả năng tình dục, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa và ung thư; gặp tai nạn giao thông hoặc sinh hoạt, đột tử trong đêm. Tuy nhiên, hội chứng này khó được phát hiện nếu không thực hiện các nghiệm pháp đo đa ký hô hấp, đa ký giấc ngủ nên dễ bị bỏ sót. Ngoài ra, béo phì còn gây rối loạn lo âu, trầm cảm, giảm chất lượng cuộc sống; thoái hóa khớp, loãng xương; rối loạn kinh nguyệt, gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới…
Theo tiến sĩ Ngọc, quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng là một trong những biện pháp phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Theo nghiên cứu của trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, nhóm bệnh nhân tiền tiểu đường nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể phòng ngừa được khoảng 50% nguy cơ tiến tới bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, hiện có nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đúng cách tới chế độ dinh dưỡng hằng ngày hoặc kiêng khem quá mức khiến bệnh chuyển biến xấu. Dịp Tết, thực đơn ăn uống rất đa dạng nhưng không phải thực phẩm nào cũng có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của từng người bệnh.
TS.BS Lê Bá Ngọc chia sẻ tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với điều trị nhiều bệnh lý mạn tính.
Đồng quan điểm, TS.BS Vũ Thị Thanh cho hay, thực phẩm ngày Tết có nhiều năng lượng, đạm, đường, béo,... Đây là những chất khi nạp vào cơ thể sẽ kích thích tuyến tụy tiết ra insulin nhanh chóng. Insulin sẽ chuyển hóa đường nhanh, kích thích đói nhanh, cơ thể thèm ăn nhiều hơn, thúc đẩy tăng cân nhanh. Ước tính nếu ăn thừa 500 Kcal trong 5 ngày Tết cơ thể sẽ tăng 500-700g/tuần. Nếu ăn thừa 1000 Kcal thì 1 tuần có thể tăng 1kg mỡ.
"Kiểm soát được mức năng lượng đầu vào thì sẽ kiểm soát được cân nặng. Chúng ta vẫn ăn được đa dạng các loại thực phẩm nhưng nên ăn với kích thước nhỏ", tiến sĩ Thanh nói.
Một khán giả gửi câu hỏi đến chương trình về chế độ ăn kiêng và kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Tiến sĩ Ngọc cho biết, nếu người bệnh ăn kiêng quá mức sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể, hạ đường huyết, chán ăn tâm lý, thậm chí suy dinh dưỡng. "Không phải cứ tiểu đường thì phải ăn kiêng. Người bệnh vẫn cần đảm bảo bữa ăn đủ chất, ngon miệng, giúp cho tinh thần thoải mái và có đủ năng lượng để hoạt động hàng ngày. Việc kiêng khem quá mức dễ gây mệt mỏi, giảm hiệu suất công việc", TS Ngọc nhận định, thêm rằng để kiểm soát bệnh tốt, cần phải điều trị phối hợp đa chuyên khoa. Tại BVĐK Tâm Anh, trước khi điều trị nội tiết, bệnh nhân sẽ được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn cụ thể, lên thực đơn hàng ngày phù hợp với từng thể trạng, giai đoạn bệnh. Từ đó, bác sĩ nội tiết sẽ phối hợp lựa chọn thuốc điều trị để kiểm soát bệnh.
Việc sử dụng rượu bia hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao trong dịp Tết đều có thể khiến đường huyết mất ổn định. Người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn điều độ, đúng giờ, mỗi ngày đủ 3 bữa chính, không nên ăn quá nhiều một bữa hoặc bỏ bữa. Thực phẩm nạp vào cần đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng theo khuyến nghị của bác sĩ dinh dưỡng.
Giải đáp thắc mắc của khán giả về chế độ ăn cho người bệnh tăng huyết áp, tiến sĩ Thanh cho rằng, người bệnh cần tránh ăn nhiều muối. Do ăn quá mặn sẽ làm tăng thể tích vào lòng mạch, gây tăng áp lực và kiểm soát huyết áp kém. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Các loại đồ ăn đã nêm nếm gia vị khi nấu cần hạn chế tối đa việc chấm thêm nước mắm khi ăn. Người bệnh cũng nên hạn chế ăn các loại bánh kẹo, hoa quả ngọt do chứa nhiều đường đơn (fructose), nếu ăn nhiều sẽ khiến đường huyết tăng nhanh, tăng dự trữ mỡ và lắng đọng trong thành mạch, gây xơ vữa động mạnh. Nhóm thực phẩm tinh bột nên ưu tiên lựa chọn cơm do đây là đường đa, hấp thu chậm, không gây rối loạn tăng mỡ trong cơ thể, đồng thời giúp cơ thể no lâu.
TS.BS Vũ Thị Thanh tư vấn nhiều thực đơn dinh dưỡng hữu ích trong chương trình
Ở trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng giúp bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc các bệnh nhiễm trùng. Theo BS.CKII Dương Thùy Nga, ngày Tết giờ giấc sinh hoạt và ăn uống không được điều độ như ngày thường. Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, một số phụ huynh có khuynh hướng cho trẻ ăn theo người lớn với những thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo, đường,... thậm chí được tích trữ dài ngày, không đúng cách, bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến thể chất của trẻ.
Ăn uống không kiểm soát khiến trẻ béo phì, thừa cân có nguy cơ tăng cân nhanh. Trẻ ăn uống không cân bằng dinh dưỡng, ăn không đủ, ngủ thiếu giấc dễ bị thiếu vi chất, dẫn đến suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.
Để đảm bảo sức khỏe của trẻ dịp Tết, phụ huynh vẫn cần có chiến lược ăn uống sinh hoạt điều độ. Chế độ ăn cần đảm bảo 4 thành phần dinh dưỡng đạm, tinh bột, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất. Tăng cường cho trẻ uống nước, sữa và ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ. Kích thích trẻ vận động để tiêu hao năng lượng. Nếu có kế hoạch đi du lịch, cần chuẩn bị sẵn đồ ăn phù hợp để tránh trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do không hợp thực phẩm tại địa phương.
BS.CKII Dương Thùy Nga chia sẻ các kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ vào dịp Tết.
Tiến sĩ Thanh lưu ý thêm, người dân cần cân nhắc tích trữ thực phẩm với số lượng vừa đủ, phù hợp và đúng cách vào dịp Tết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh bị ngộ độc. Một số loại thực phẩm sẽ mất đi hầu hết chất dinh dưỡng, hương vị theo thời gian dù đã được bảo quản. Chẳng hạn các loại rau quả tươi nếu để khoảng 3-5 ngày cũng có thể mất đi khoảng 30-50% lượng vitamin. Nên chế biến đủ ăn, không dư thừa. Thực phẩm tích trữ nên lưu ý lựa chọn loại tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng, đảm bảo vệ sinh.
Với đồ ăn dặm của trẻ nhỏ, nên bảo quản gạo trong túi bóng, để trong thùng kín, tránh tiếp xúc với không khí để giữ được giá trị dinh dưỡng. Các loại thịt như gà, lợn, bò thì nên mua vào ngày cuối cùng của năm như ngày 30 Tết để đảm bảo tươi sống. Phụ huynh nên rửa sạch, chia thành từng hộp nhỏ bảo quản trong ngăn đá. Khi cần dùng thì lấy ra rã đông dưới ngăn mát tủ lạnh, không nên để ở môi trường ngoài hoặc đun trong lò vi sóng do sẽ làm phá vỡ cấu trúc tế bào, mất chất dinh dưỡng, thậm chí biến đổi chất.
Các loại rau xanh chỉ nên bảo quản tối đa 3 ngày để đảm bảo chất dinh dưỡng và hạn chế sự xâm nhập của các vi sinh vật có hại. Rau sau khi rửa sạch nên để khô, bọc túi cho vào ngăn mát. Đồ ăn thừa của trẻ không nên tích trữ và đun lại vào bữa sau mà cần đổ bỏ. Chú ý vệ sinh dụng cụ nấu cẩn thận, đảm bảo ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ giấc để đảm bảo sức khỏe tổng thể của trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!