Ngày mới trên chợ nổi Long Xuyên, An Giang
Không tấp nập như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và cũng không ồn ào như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Long Xuyên được đánh giá là một trong những chợ nổi vẫn còn giữ được nét bình dị, nguyên sơ nhất.
Sáng sớm ở chợ nổi Long Xuyên.
Hành trình khám phá chợ nổi Long Xuyên bắt đầu từ bến đò Ô Môi. Du khách phải đi sớm vì chỉ ở thời điểm này mới có thể hít trọn bầu không khí mát lành và ngắm nhìn nét văn hóa sông nước lúc chợ sung túc nhất.
Những phương tiện lưu thông mua bán ở đây có đủ các loại phương tiện như ghe tam bản, xuồng ba lá, vỏ lãi… kết hợp lại như một thành phố nổi, không sợ nước ngập, cũng không ngại triều cường.
Chỉ cần ngồi trên đò chạy 1 vòng, du khách có thể tận mục sở thị những nét văn hóa độc đáo từ ghe xuồng. Ví như nếu nhìn thấy ghe xuồng nhỏ hay vỏ lãi chạy ngang chạy dọc thì biết đó là người đang đi chợ. Đặc biệt, nếu chiếc ghe nào có chén bát hay treo quần áo thì chắc chắc là cư dân sống quanh năm ở chợ nổi.
Trại đóng ghe, xuồng với 30 năm theo nghề
Nếu du khách thích đi chợ nhưng không thích ồn ào, thích ngắm nhìn cuộc sống chân thực nhưng không kém phần lãng mạn thì hãy về An Giang.
Chú Sáu Gõ tại xưởng đóng ghe, xuồng của mình.
Ở vùng sông nước không thiếu những làng nghề đóng ghe xuồng chuyên nghiệp. Các phương tiện làm ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại, mua bán trên sông, mà còn đáp ứng cho người dân đánh bắt mùa nước nổi. Vì thế có thể nói, mùa này là mùa làm ăn chính của các cơ sở chuyên đóng xuồng ghe.
Nắng bắt đầu lên cũng là lúc người làng nghề bắt tay vào công việc. Trại đóng ghe xuồng của chú Sáu Gõ, một trong những thợ mộc có tiếng ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Với 30 năm làm nghề đóng ghe xuồng, chú Sáu có thể đóng được rất nhiều loại. Tuy nhiên, xuồng cui là loại phổ biến vì dễ sử dụng, giăng lưới, giăng câu mùa nước được. Giá bán dao động từ hơn 1 triệu đồng tới hơn 3 triệu đồng.
Ở đây, đàn ông đốn cây làm mộc trong khi phụ nữ đảm nhận công việc nhẹ nhàng hơn như trét chai, đóng sạp…
Mùa nước mọi năm, xưởng bán 200 - 300 chiếc nhưng năm nay ế chưa từng thấy, từ đầu năm đến nay mới chỉ bán được khoảng vài chục chiếc.
Người lưu giữ văn hóa sông nước Nam Bộ
Trong bối cảnh thị trường, thị hiếu, thói quen thay đổi, việc những người đóng ghe, xuồng có thể tìm cách thích ứng để giữ được nghề là đầy thách thức.
Bây giờ, đường bộ thuận tiện, mùa nước nổi cũng gần như không còn. Thợ đóng ghe xuồng bỏ nghề gần hết, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, riêng tại xóm đóng ghe xuồng ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, vẫn còn những gia đình luôn giữ nghề truyền thống. Đó là gia đình của ông Sáu Gõ hay chú Chín Mỏng. Những người thợ này đã có sáng tạo gì để giữ nghề?
Những chiếc xuồng mini trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Xưởng mộc của nhà chú Chín Mỏng, chỉ cách trại mộc chú Sáu Gõ vài căn. Chú Chín Mỏng là một người thợ rất yêu nghề. Trong một lần tình cờ, chú đóng những chiếc xuồng mini để giải trí, không ngờ nay lại là công việc kiếm tiền của cả gia đình.
Chú Chín Mỏng vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề đóng ghe, xuồng nức tiếng Miền Tây. Do đó, loại ghe xuồng nào chú cũng biết làm, lại là một người thợ lành nghề nên sản phẩm tí hon với chú chỉ là chuyện nhỏ.
Để những chiếc xuồng mini đạt đến mức tinh xảo, người thợ phải chọn lựa loại gỗ và tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường cưa, nét mực, lắp ráp phải khéo léo mới ăn khớp. Mỗi ngày, chú Chín Mỏng đóng được 2 chiếc. Mỗi chiếc bán được vài trăm, có chiếc hơn 1 triệu đồng.
Khởi đầu là chiếc xuồng ba lá, đến nay, chú Chín Mỏng đã cho ra đời hàng loạt chiếc ghe, xuồng đặc trưng của miền Tây sông nước, từ ghe bầu, ghe đục, tàu du lịch đến thuyền buồn hoành tráng.
Không sai khi nói rằng, trong cái khó, ló cái khôn. Bằng tình yêu nghề, chú Chín Mỏng đã biến những sản phẩm xuồng, ghe thông thường thành những tác phẩm nghệ thuật và rồi sẽ được theo tay du khách đi khắp nơi, mở ra hướng đi mới cho một nghề truyền thống đang trên đà mai một.
Xuồng ghe tí hon của người thợ này hiện đang là sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo của địa phương. Qua đó, văn hóa sông nước Nam bộ tiếp tục được giữ gìn, còn người làng mộc có thêm bước chuyển để giữ nghề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!