Vậy việc thu hồi sổ hộ khẩu giấy đã có chủ trương chưa và nếu có thì khi nào đi vào thực hiện chính thức? Việc thu hồi sổ hộ khẩu được áp dụng với tất cả các hộ gia đình hay tùy từng trường hợp? Khi sổ hộ khẩu bị thu hồi thì người dân căn cứ vào đâu để xác nhận thông tin cư trú khi giao dịch hành chính?
4 trường hợp bị thu hồi sổ hộ khẩu
Trả lời những câu hỏi nêu trên, Bộ Công an nêu rõ: Theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú thì: "Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú".
Việc thu hồi sổ hộ khẩu được thực hiện từ ngày 01/7/2021 khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành. Công dân bị thu hồi sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục sau:
(1) Đăng ký thường trú;
(2) Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
(3) Tách hộ;
(4) Xóa đăng ký thường trú.
Theo Bộ Công an, việc hộ gia đình hay thành viên trong hộ thực hiện một trong các thủ tục hành chính này đều làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, dẫn đến thông tin trong sổ hộ khẩu khác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Vì vậy, tất cả các trường hợp đều phải thu hồi sổ hộ khẩu.
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú thì sau khi bị thu hồi sổ hộ khẩu, công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước, không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân, để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, Cổng Dịch vụ công quản lý cư trú.
Nội dung xác nhận thông tin về cư trú bao gồm thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Chính phủ yêu cầu bãi bỏ ngay quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu
Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 của Chính phủ nêu rõ việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án 06).
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú, gửi kết quả cho Bộ Công an trước ngày 20/9/2022.
Trên cơ sở kết quả rà soát của các bộ, ngành, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30/9/2022.
Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi văn bản theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023. Mục tiêu là phải hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 12/2022.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.
Nghị quyết nhấn mạnh cần phải bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, ngành liên quan như Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ khẩn trương phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối các phần mềm nghiệp vụ với phần mềm dịch vụ công liên thông phục vụ triển khai thí điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!