Bất chấp những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kinh tế nông nghiệp khu vực này vẫn dành được nhiều kết quả quan trọng. Sự bứt phá nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu đã trở thành bệ đỡ của cả nền kinh tế.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao mang lại năng suất cao gấp 10 -15 lần so với nuôi tôm thông thường. Lợi nhuận cũng đạt từ 700 - 900 triệu đồng/ha/năm.
Cách làm này đang được các địa phương ven biển nhân rộng. Đến nay, Bạc Liêu đã mở rộng 3.000 ha, tăng gấp 3 so với đầu nhiệm kỳ. Sản lượng tôm ước đạt 200.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
5 năm qua, nhiều địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cũng bắt tay vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Cơ cấu giống lúa của vùng đã chuyển hẳn sang lúa chất lượng cao. Đây là bước đột phá ngoạn mục khi diện tích sản xuất không tăng mà giá trị lại tăng cao.
Những giống lúa chất lượng cao nổi tiếng của Việt Nam như ST, lúa Nhật đã được các doanh nghiệp đặt hàng sản xuất liên tỉnh, trên phạm vi toàn vùng.
Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã xoay sang trục chiến lược thủy sản - trái cây - lúa gạo. Nhiều diện tích kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi trồng các cây con có giá trị kinh tế cao.
Các tỉnh cũng đã có sự phân vai và liên kết rõ ràng hơn theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Ví như Bến Tre sẽ tập trung vào trái cây và rau màu, An Giang là lúa gạo, thủy sản, còn Hậu Giang là thu gom sơ chế và hỗ trợ logistics… Cách làm mới đã mang về cho người nông dân thu nhập cao hơn gấp 3 - 5 lần.
Với quyết tâm cao, sau 5 năm cụ thể hóa Nghị quyết đại hội XII vào cuộc sống, nông nghiệp ĐBSCL đã thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Năm nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam lần đầu tiên đạt mức cao nhất, hơn cả Thái Lan và Ấn Độ và dự kiến cán mốc 6 triệu tấn trong năm nay. Xuất khẩu tôm Việt Nam ước đạt 3,6 tỷ USD. Rau củ quả đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Sự bứt phá nông nghiệp ở vùng kinh tế này hiện vẫn đang là trụ cột, là bệ đỡ cho nền kinh tế.
Những thành tựu về nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ này là hết sức có ý nghĩa, nhất trong bối cảnh 5 năm vừa qua cả nước phải đối mặt với 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử và bão lũ lớn nhất trong gần 20 năm qua.
Cùng với lĩnh vực nông nghiệp, mọi lĩnh khác của cả nước cũng đang đi qua gần hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII với bao khó khăn, thử thách nhưng kết quả rất to lớn và rất đáng trận trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!