Nông sản ở nhiều địa phương rẻ như cho vẫn không có người mua

An Duyên, Tùng Lâm (VTV8)-Thứ tư, ngày 03/03/2021 18:58 GMT+7

VTV.vn - Để mặc cây trên đồng, nhổ bỏ chất đống, chặt cho gà vịt ăn hay bán rẻ như cho là những giải pháp không mong muốn.

Không chỉ riêng vùng dịch mà tại các địa phương khác, việc tiêu thụ nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Sau Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, khó khăn cũng đã xuất hiện ở nhiều vùng sản xuất rau màu tại các tỉnh như Lâm Đồng,Thanh Hóa, Nghệ An. Tình trạng giá rau củ rớt đáy nhưng vẫn không có người mua khiến bà con phải chặt bỏ diễn ra ở nhiều địa phương.

Nông sản ở nhiều địa phương rẻ như cho vẫn không có người mua - Ảnh 1.

Luống rau cải cúc này đang được bà Ngọ nhổ bỏ vì không bán được. Đây cũng là luống rau thứ 3, sau 2 luống hành hoa bà vừa phá bỏ cách đây mấy ngày để làm lứa mới. Nhà có gần 4 sào đất, được trồng các loại rau để bán dịp ra Tết. Thế mà, đến nay, bà và nhiều nông dân vùng rau Quỳnh Lương vẫn không bán được cho ai.

Cùng chung tình trạng là vùng chuyên canh chỉ chủ yếu trồng 2 loại cây bắp cải và dưa hấu của bà con nông dân xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu với hơn 300ha. Giờ đang là vụ bắp cải. Không khí mua bán tấp nập đã không diễn ra trong những ngày sau Tết Nguyên đán như hàng chục năm qua.

Với thị trường tiêu thụ rộng lớn, chủ yếu đi ngoại tỉnh, số lượng hàng chục, thậm chí là hàng trăm tấn mỗi ngày, hơn lúc nào hết, người trồng rau đang rất cần sự động viên, chia sẻ của các cấp, ngành để vượt qua khó khăn.

Còn tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, chưa có năm nào, ông Nguyễn Văn Hạnh lại chứng kiến nhiều ruộng rau màu bị hỏng và bỏ đi như vậy.

Nông sản ở nhiều địa phương rẻ như cho vẫn không có người mua - Ảnh 2.

Cung vượt cầu khiến giá thành rau củ sụt giảm trầm trọng. Cà chua nay chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg; cải bắp 3.000 đồng/kg; su hào, su su chỉ còn 300 - 500 đồng/kg.

Xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa có diện tích chuyên canh tác rau màu trên 50 ha cung cấp lớn cho thị trường trong tỉnh với khoảng hơn 200 hộ dân sản xuất rau màu.

Thực tế cho thấy, với lượng rau màu số lượng lớn như ở Hải Dương và 2 địa phương trên, rất cần rút ra những bài học và cách thức tổ chức sản xuất tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ví như tỉnh Quảng Ninh đã tiêu thụ thành công 17 tấn khoai tây ở xã Bình Dương (thị xã Đông Triều) thời gian qua nhờ sáng kiến thực hiện cuộc vận động "Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh". Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ trong dân, các dịch vụ mua sắm trực tuyến qua website, facebook, điện thoại, zalo hay qua hệ thống siêu thị cần được các địa phương quan tâm thúc đẩy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước