Phản bác thông tin sai sự thật, bịa đặt về dịch COVID-19

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 14/07/2021 22:05 GMT+7

VTV.vn - Trước các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh, nhiều thông tin sai sự thật đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Trưa 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc TP Hồ Chí Minh đóng cửa toàn TP, dẫn đến khan hiếm thực phẩm, kêu gọi người dân tích trữ hay lãnh đạo TP bị nhiễm SARS-CoV-2 là thông tin bịa đặt, sai sự thật. Thành phố đang tập trung chủ động, quyết liệt xử lý các vấn đề nhằm tăng cường phòng chống dịch.

"Các hệ thống siêu thị của Nhà nước mở bán độc quyền trong lúc dịch bệnh" là tin sai sự thật trên tài khoản mạng xã hội Nguyễn Lân Thắng. Bởi thực tế, hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp tư nhân như Vinmart, Kmart, Fivimart hay Lotte kinh doanh ở khắp các tỉnh thành, phục vụ người tiêu dùng.

Tài khoản mạng xã hội Việt Tân đăng thông tin "2 triệu liều vaccine của Mỹ đã về đến Việt Nam nhưng tiêm cho không đúng đối tượng theo quy định". Đây là thông tin xuyên tạc, bịa đặt vì Việt Nam có chính sách phân bổ vaccine rõ ràng.

Đây chỉ là vài trong rất nhiều thông tin xuyên tạc về nỗ lực chống dịch của Việt Nam, xuất hiện trên mạng xã hội những ngày qua.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) đang nhanh chóng xác định các đối tượng vi phạm và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xử phạt theo quy định.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình xử phạt 10 triệu đồng 2 đối tượng tung tin giả trong nhóm Zalo về một trường hợp mắc COVID-19, khiến người dân địa phương hoang mang. Sự thật là trường hợp đó âm tính với SARS-CoV-2.

Cách đây ít ngày, trên mạng lan truyền phiếu xét nghiệm của một người dân ở Cà Mau có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong khi thực chất trường hợp này âm tính. Hiện, công an tỉnh này đã khoanh vùng được người chỉnh sửa phiếu xét nghiệm, tiếp tục điều tra và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quý II năm nay, cả nước đã xử phạt 24 trường hợp vi phạm, tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Theo các cơ quan chức năng, hiện có 4 nhóm thông tin giả: Lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; Đăng tin sai về chính sách phòng chống dịch bệnh của Việt Nam; Tung tin giả liên quan đến tình hình đời sống của nhân dân tại các vùng dịch thiếu hụt lương thực; Xuyên tạc chủ trương của Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức doanh nghiệp ủng hộ đóng góp vào quỹ phòng chống vaccine COVID-19 của Chính phủ.

Trước tình hình tin giả tràn lan, mỗi người dùng mạng cần tỉnh táo trước các thông tin không chính thống, cẩn trọng trước mỗi dòng trạng thái, bình luận hay chia sẻ.

Nhận được tin nhắn đi tiêm phòng COVID-19, nhưng là tin giả Nhận được tin nhắn đi tiêm phòng COVID-19, nhưng là tin giả

VTV.vn - Gần đây, nhiều người nhận được tin nhắn về việc tiêm vaccine COVID-19 từ địa chỉ YTDP nhưng không rõ số điện thoại. Nội dung thông báo họ, tên, địa điểm và thời gian tiêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước