Rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề đau đầu với mọi địa phương. Những tưởng các dự án xử lý rác thải với công nghệ hiện đại vì thế sẽ luôn được ủng hộ, nhưng thực tế không phải nơi nào cùng tìm được sự đồng thuận của người dân, nhất là người sinh sống cạnh dự án.
Tại tỉnh Hưng Yên, để giải quyết tình trạng rác đang quá tải, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu xử lý chất thải tại xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào. Đây là dự án với công nghệ tiên tiến thay thế cho đốt rác thủ công đã lạc hậu. Tuy nhiên, dù chưa thành hình, nhưng dự án đã vấp phải ý kiến trái chiều của người dân.
"Từ quãng đất dự án này đến con sông Bắc Hưng Hải khoảng trên 400 m, đến khu dân cư chưa đến 500 m. Còn khu nhà của các hộ dân cách chỉ 130 m", người dân xã Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên, cho biết.
"Về khoảng cách, chỉ có một số gần khu vực đó, nhưng theo quy định thì không phải là cụm dân cư", ông Đào Trọng Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên, cho hay.
Xử lý chất thải, rác thải nhựa. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo UBND xã, một vài hộ dân không được xem là cụm dân cư, bởi vậy việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải cách đấy hơn 100 m là không hề sai quy định. Tuy nhiên, việc chân dự án liền kề ngay ruộng canh tác là hiện trạng ngay trước mắt.
Dù dự án đã tìm được chủ đầu tư và đang lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng khi địa phương chưa biết thuyết phục người dân thế nào về những thắc mắc xung quanh vấn đề ô nhiễm có thể do chính dự án nhà máy gây ra, việc triển khai cũng ách tắc từ giữa năm 2022.
Dự án nhà máy xử lý rác hiện đại bị vướng, nghĩa là chủ đầu tư lẫn chính người dân đều chịu thiệt. Thậm chí đến con em của một số gia đình cũng bị ảnh hưởng một cách vô lý. Đó là khi có phụ huynh đã cho con em nghỉ học chỉ vì để phản đối dự án còn đang trên giấy.
"Bước đầu tiên chúng tôi định cho con nghỉ hẳn luôn. Chúng tôi cũng suy nghĩ bình thường, năm nay không học thì sang năm", người dân xã Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên, chia sẻ.
Thấy rõ tác hại của việc cho con nghỉ học một thời gian, người dân lại tìm cách khác bằng việc dựng các lán trại ngay trước cổng Ủy ban nhân dân xã, dù chính quyền cũng đã liên tục tuyên truyền, khuyên giải và đề nghị bà con chờ đợi kết quả thẩm định của các cơ quan chuyên môn về dự án.
"Nếu địa phương nào cũng không chịu chấp nhận nhà máy xử lý chất thải rắn đặt tại địa phương mình thì chất thải rắn sinh hoạt sẽ xử lý ở đâu, như thế nào", GS. TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!