Phát hiện hàng loạt thực phẩm chức năng quảng cáo sai phạm, cần chế tài xử lý mạnh hơn

Minh Đức-Thứ năm, ngày 16/12/2021 16:49 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, mức xử phạt từ 5-70 triệu đồng vẫn thấp, cần có chế tài mạnh tay hơn để xử lý những công ty quảng cáo sai công dụng của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã phát hiện hàng chục sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo.

Đáng lo ngại hơn, dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng song có nghịch lý là phạt vài hôm trước, hôm sau lại vi phạm.

Mặt khác, nhiều công ty khi bị phát hiện sai phạm thì đổ lỗi vòng quanh hoặc không thừa nhận là chủ sở hữu website đang thực hiện quảng cáo sản phẩm không đúng quy định, dù website trùng tên và địa chỉ của công ty… khiến cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian và khó khăn trong việc xử lý sai phạm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng bị quảng cáo thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, giảm cân, nam khoa... Tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn đang hết sức phổ biến, đặc biệt là các quảng cáo qua mạng xã hội.

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm quảng cáo áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 20/10/2018. Sau hơn 3 năm Nghị định 115 đi vào thực tiễn, Cục ATTP đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm, trong đó hầu hết các cơ sở vi phạm đều bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt từ 5-70 triệu đồng vẫn thấp, cần có chế tài mạnh tay hơn để dẹp nạn quảng cáo sai công dụng của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Cục trưởng ATTP - Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm và trong năm 2022, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, các địa phương sẽ đẩy mạnh xử lý các vi phạm quảng cáo, đặc biệt quảng cáo thực phẩm năng.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, ông Phong cho hay nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo, như: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y để quảng cáo sai hoặc quá sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo quảng cáo thực phẩm chức năng khẳng định chữa dứt điểm bệnh…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước