Được kỳ vọng trở thành một không gian kết nối văn hóa với phố đi bộ Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, nhưng sau gần 5 năm hoạt động, phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang xuống cấp khi các tác phẩm tranh bích họa trên đoạn phố này có dấu hiệu hư hại, bên cạnh đó không gian vỉa hè bị lấn chiếm nghiêm trọng.
Vấy màu, rơi, vỡ, hoen rỉ…, đây là thực trạng của những bức tranh tại phố bích họa Phùng Hưng, Hoàn Kiếm. Một khu phố sạch đẹp với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nhưng chưa đầy 5 năm trôi qua, với bà Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hình ảnh đó giờ đã trở thành ký ức.
"Hồi đầu làm thì đẹp lắm, tôi rất hay ra đây để ngắm các tranh vẽ mà người đến chụp ảnh cũng đông. Nhưnggần đây tôi thấy hơi buồn khi các tranh mờ đi, xuống cấp, vệ sinh cũng không đảm bảo", bà Nguyễn Thị Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.
Với chiều dài khoảng hơn 200 m, nhưng để đi lại ở khu vực này, nhiều người phải đi xuống lòng đường để tránh đủ thứ lộn xộn được tập kết bừa bãi, hoặc phải luồn lách qua những hàng xe trên vỉa hè đang trở thành bãi trông xe tiệc cưới.
Nhiều tác phẩm tranh bích họa trên phố Phùng Hưng có dấu hiệu hư hại. (Ảnh: PLO)
"Thi thoảng có khách hỏi tại sao mọi người để xe thoải mái như thế, tranh bị rách với vẽ bậy thì mình bảo văn hóa Việt Nam thế, không biết nói gì nữa", anh Nguyễn Nam Anh - Hướng dẫn viên du lịch tự do, cho hay.
"Tôi thấy khu phố này có nét đẹp rất đặc trưng, tuy nhiên đi lại ngắm tranh, chụp hình thì hơi vướng một chút, nếu có thể cấm không cho xe máy đỗ lên thì chắc sẽ sạch đẹp và thoáng đãng hơn nhiều", chị Lilian Le, du khách, bày tỏ.
Cứ vài mét lại có 1 chiếc camera giám sát, tuy nhiên tình trạng các bức tranh bị hỏng hay vỉa hè bị lấn chiếm không được xử lý kịp thời. Theo các chuyên gia, khu vực này chưa được định danh rõ ràng và có những chức năng phù hợp để sử dụng không gian hiệu quả.
"Nó là một không gian công cộng, hay là một công viên đường phố, hay là một không gian nghệ thuật mà có tính năng và cơ chế quản lý như một công viên. Lồng ghép vào không gian của trường giáo dục, hay những hoạt động cộng đồng thì như thế một không gian đô thị chúng ta sử dụng hiệu quả. Khi sinh ra những không gian công cộng ấy thì cũng phải sáng tạo, kể cả cách quản lý, mô hình quản lý thì nó mới có tính bền vững được", KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia đô thị, nhận định.
Được biết, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã có kế hoạch cùng phối hợp với các họa sĩ chỉnh trang lại các bức bích họa tại đây. Tuy nhiên, không chỉ cơ quan quản lý, cần sự chung tay của cộng đồng để "nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!