Có thu nhập tốt nhờ mạng xã hội
Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, tạo sức hút từ chính những hoạt động sinh hoạt đời thường ở nông thôn với sự giản dị, chân thành đang là cách mà nhiều người phụ nữ ở các vùng quê làm kinh tế từ chính mạng xã hội.
Chỉ với duy nhất một chiếc điện thoại, bối cảnh có sao dùng vậy. Nhân vật làm gì quay nấy. Thu âm thì ở đâu yên tĩnh, thu được là thu… Những clip về quán canh cá của chị Phạm Vũ Quỳnh Nga (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã xuất hiện trên mạng xã hội.
5 tháng sau khi thực hiện quảng bá cho quán canh cá của mình, nhân vật chính thỉnh thoảng vẫn khớp trước chiếc điện thoại của người em gái.
Cũng 5 tháng sau khi thực hiện những clip trên mạng xã hội, công việc mới, cơ hội mới từ quán canh cá nhỏ đã được mở ra.
Cuốc đất, trồng rau... và sẽ chẳng có gì khác công việc đồng áng thường ngày của chị Mè Thị Ngọc (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nếu không phải phía trước là chiếc điện thoại. Hơn 1 năm làm clip, chị Ngọc vẫn là lọ mọ một mình quay, đọc, dựng với chiếc điện thoại.
Nhưng, cái hơn là chị đã có những clip triệu view, với thu nhập mà chị tự hào là cao gấp 3 lần mức lương công nhân, đủ lo bỉm sữa cho con… từ công việc mà trước đó không ai trong gia đình ủng hộ.
Để vẫn là chính mình khi làm kinh tế trên mạng xã hội
Không ít phụ nữ tạo ra sự thay đổi trong đời sống của mình, nâng cao thu nhập từ các hoạt động sáng tạo nội dung, kinh doanh với mạng xã hội. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội cũng sẽ là những áp lực - đặc biệt là về tinh thần mà những người phụ nữ ở nông thôn phải đối mặt khi cuộc sống gia đình hay những nội dung sáng tạo phải chịu các đánh giá, nhận xét nhiều chiều… Làm thế nào để đi đường dài trong công việc sáng tạo nội dung mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân - đang là những trăn trở của những người phụ nữ này.
Những clip chia sẻ về việc làm thế nào để chi tiêu, vun vén cho một gia đình 3 người lớn, 2 trẻ nhỏ chỉ với 3,3 triệu đồng đã giúp chị Mè Thị Ngọc được biết tới. Nhưng, niềm vui clip đạt triệu view đến cùng nỗi buồn về cuộc sống không ổn của mình bị phơi bày.
"Lúc trước chưa chia sẻ thì bạn bè hỏi chỉ nói là ổn thôi. Nhưng sau khi chia sẻ thì mọi người đều biết mình không ổn. Bạn bè cùng trang lứa thành công, mình không thành công. Xấu hổ!" - chị Ngọc bộc bạch.
Và đã có những băn khoăn, dừng lại hay đi tiếp…Chị Ngọc đã chọn đi tiếp vì nỗ lực cho một kinh tế khá hơn. Và vì cả những động viên của nhiều chị em có chung hoàn cảnh.
"Còn vất vả hơn cả đi làm công ty, từ sáng đến tối. Cảm giác áp lực về nội dung, nhiều khi muốn stress. Trước khi đi làm công ty,ì ngày đi làm, tối ngủ khò khò, giờ áp lực về nội dung".
Thực tế căng thẳng, chịu nhiều áp lực về những đánh giá, nhất là khi mới bắt tay vào làm nội dung trên mạng xã hội. Đây là điều mà người sáng tạo nội dung không chuyên như chị Ngọc phải đối mặt.
Bỏ qua những ý kiến tiêu cực, nhưng làm sao để việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội có thể đi đường dài thì những người phụ nữ ở nông thôn này vẫn đang phải loay hoay giữa áp lực và cơ hội trước một cánh cửa làm kinh tế mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!