Quản lý chất thải: Hành động nhỏ cho mục tiêu lớn

Sơn Nghĩa-Thứ hai, ngày 12/08/2024 05:51 GMT+7

Học sinh tham gia chương trinh "Văn hóa tái chế học đường". Ảnh: Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam

VTV.vn - Phát triển kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ việc phân loại rác thải, giúp tăng hiệu quả tái chế, giảm chôn lấp, và tiết kiệm tài nguyên, tạo ra tác động lớn và bền vững.

Báo động chất thải trong sản xuất

Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 25-30 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp. Sự gia tăng này là hệ quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và hệ thống thu gom, xử lý vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển này.

Quản lý chất thải: Hành động nhỏ cho mục tiêu lớn - Ảnh 1.

Phân loại rác thải là việc làm đơn giản đầu tiên góp phần quản lý chất thải một cách hiệu quả hơn


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại Việt Nam ước tính khoảng 64.000 tấn. Trong số đó, tỷ lệ rác thải được xử lý đúng quy trình chỉ đạt khoảng 45-50%, phần còn lại chủ yếu được xử lý bằng các phương pháp truyền thống như chôn lấp, thường không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Chất thải công nghiệp, nếu không được xử lý đúng cách, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng những phương pháp xử lý chất thải không bền vững, như chôn lấp hoặc đốt rác mà không qua xử lý, dẫn đến việc giải phóng các chất độc hại ra môi trường.

Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận khoảng 15 điểm nóng về ô nhiễm rác thải nhựa trên các bãi biển và sông ngòi tại Việt Nam. Lượng rác thải nhựa tích lũy ước tính đã lên tới hơn 1,8 triệu tấn, trong đó một phần lớn không được thu gom và xử lý đúng cách, gây ra những tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường sống của người dân xung quanh.

Đặc biệt, hệ thống phân loại rác tại nguồn ở vẫn còn thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng chất thải rắn từ sản xuất và sinh hoạt thường bị trộn lẫn, gây khó khăn trong quá trình tái chế. Sự lãng phí tài nguyên này không chỉ làm tăng gánh nặng lên các bãi chôn lấp mà còn bỏ lỡ cơ hội tái sử dụng và tái chế các vật liệu có giá trị.

Trong bối cảnh này, những hành động nhỏ như học cách phân loại rác, là bước khởi đầu để xây dựng thói quen và nâng cao nhận thức về việc tái chế.

Quản lý chất thải: Hành động nhỏ cho mục tiêu lớn - Ảnh 2.

Sản xuất xanh với nguyên vật liệu tái chế là xu hướng tất yếu để quản lý rác thải tốt hơn, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều giải pháp phát triển ngành tái chế

Để đối phó với tình trạng báo động về chất thải, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tái chế. Tái chế không chỉ giúp giảm lượng chất thải mà còn biến những vật liệu đã qua sử dụng thành nguồn tài nguyên mới, đóng góp vào quá trình sản xuất và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu tự nhiên.

Phát biểu tại một buổi tọa đàm về tái chế để xử lý chất thải tại Việt Nam vừa được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 9/8 vừa qua, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA) cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế là nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp. Trong 3 năm qua, VWRA đã tổ chức hơn 50 hội thảo trong nước và quốc tế góp phần xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến tái chế và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, những chương trình cộng đồng, như "Văn hóa tái chế học đường", đã thu hút sự tham gia của hơn 10.000 học sinh, sinh viên, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường.

Sứ mệnh tái chế phải bắt đầu từ những hành động nhỏ, những hành động nhỏ đó sẽ lan tỏa đến cộng đồng xã hội. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, mặc dù các loại rác thải giá trị cao như chai nhựa, giấy bìa, sắt thép đã có thị trường tái chế ổn định, nhưng rác thải giá trị thấp lại ít được quan tâm do chi phí tái chế cao và giá trị thu hồi thấp. Do vậy, trong thời gian tới, việc hỗ trợ đặc biệt cho các đơn vị đầu tư vào công nghệ tái chế rác thải giá trị thấp là cần thiết.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thúc đẩy ngành tái chế, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở tái chế là yếu tố quan trọng để xử lý hiệu quả các loại chất thải phức tạp như nhựa, kim loại, và chất thải điện tử. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thu gom, phân loại và tái chế không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giúp giảm thiểu chi phí, đồng thời tăng cường sự cạnh tranh của các sản phẩm tái chế trên thị trường.

Quản lý chất thải: Hành động nhỏ cho mục tiêu lớn - Ảnh 3.

Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ hoạt động thu gom, tái chế rác thải cho mỗi công dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất cần thiết.

Những hành động nhỏ như học cách phân loại rác tại trường là khởi đầu cho một cuộc cách mạng lớn hơn trong quản lý chất thải tại Việt Nam. Với những bước đi chiến lược và sự nỗ lực từ mỗi cá nhân và toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao tỷ lệ tái chế chất thải, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, và góp phần bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước