Hôm nay (8/6) là Ngày Đại dương thế giới. Chủ đề năm nay được Liên Hợp Quốc lựa chọn là "Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương" nhằm kêu gọi các quốc gia cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững. Việt Nam đã định hướng "Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển" với nhiều giải pháp cụ thể để đi cùng với xu thế này.
Hòn đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, nói không với túi nylon. "Tôi rất vui khi thấy người dân sử dụng giấy tái chế ở đây để làm túi đựng đồ mang đi. Điều giản dị này đã khiến tôi thực sự xúc động", anh Bradley Hirsch, du khách người Mỹ, chia sẻ.
Cù Lao Chàm có nguồn thu chính từ khách du lịch cùng nhờ những ấn tượng như vậy. Đi khắp các chợ lớn tại đảo, chúng ta có thể thấy tất cả túi đựng đồ đều được ưu tiên tái sử dụng. Đây là một ví dụ cho việc không gian biển đã được quản lý và sử dụng bền vững như thế nào.
Việt Nam sở hữu hơn 3.200 km đường bờ biển, mỗi vùng biển có ưu thế riêng. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Nhiều vùng biển đảo của nước ta cũng đang tích cực triển khai các giải pháp giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa, gắn với lộ trình thực thi phân loại rác tại nguồn.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc phân loại rác thải tại nguồn, khắc phục rác đại dương cũng như rác sinh hoạt trên địa bàn", ông Đặng Quang Ngạn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
"Không nhất thiết phải có nguồn lực tài chính tốt mới có thể làm được những hoạt động đó. Có những địa phương chủ yếu là sự chỉ đạo của chính quyền, sự đồng lòng của người dân và các doanh nghiệp đã tạo nên những mô hình, những thay đổi hết sức ấn tượng và tích cực", bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF, nhận định.
Việt Nam sở hữu hơn 3.200 km đường bờ biển, mỗi vùng biển có ưu thế riêng. Sự phát triển cần được tính toán dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa phát triển và đạt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030.
Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Điều ấy chỉ có được khi chúng ta trả lời được rằng không gian biển phải được quản lý và sử dụng bền vững như thế nào?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!