Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 905.477 ca mắc COVID-19 đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó có 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (429.082), Bình Dương (231.024), Đồng Nai (63.715), Long An (34.541), Tiền Giang (16.124).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 28/10 là: 1.649 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 813.963
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.687 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.803
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 446
- Thở máy không xâm lấn: 99
- Thở máy xâm lấn: 319
- ECMO: 20
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 60 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 116.209 xét nghiệm cho 201.090 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.900.217 mẫu cho 59.785.860 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 77.145.612 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 54.520.772 liều, tiêm mũi 2 là 22.624.840 liều.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 445.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 246 triệu ca, trong đó trên 4,99 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 64.000 ca), Nga (40.096 ca) và Anh (39.842 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.159 ca), Mỹ (1.146 ca) và Ấn Độ (803 ca). Như vậy, cả Mỹ và Nga đều có số ca tử vong cao nhất thế giới và ở trên mức 1.000 ca trong 24 giờ qua.
Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đang tăng trở lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia.
TP Hồ Chí Minh: Công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ và giá xét nghiệm COVID-19
Ngày 28/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ và giá xét nghiệm COVID-19.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc công khai giá xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế nhằm tạo thuận lợi cho người dân chọn lựa cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát COVID-19 khi có nhu cầu.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, đã có 59 cơ sở y tế trên địa bàn đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR.
Theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định các ca lâm sàng tại các cơ sở điều trị, ngoài ra có thể chỉ định để tầm soát các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng và điều tra dịch tễ. Các trường hợp này, người bệnh không phải đóng phí (do BHYT hoặc ngân sách nhà nước chi trả).
Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này (hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân (không triệu chứng, xuất cảnh…) thì thu phí xét nghiệm đúng giá theo quy định nếu là cơ sở y tế công lập, theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.
Đối với kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh, tính đến ngày 26/10, đã có 169 cơ sở y tế nộp hồ sơ và đã được Sở Y tế thẩm định cho phép cung ứng dịch vụ kỹ thuật này.
Kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc COVID-19.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tham gia cung ứng dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tiếp tục công khai giá và kê khai giá theo quy định, nộp hồ sơ về Sở Y tế.
Thanh tra Sở Y tế sẽ triển khai công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ xét nghiệm COVID-19 không đúng theo quy định
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đã có 40.000 trẻ được tiêm, hiện chưa ghi nhận phản ứng nặng.
Bình Dương: Toàn tỉnh đã "bao phủ" hơn 3,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Tối 28/10, Sở Y tế cho biết trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 618 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và phát hiện 821 trường hợp nghi nhiễm qua test nhanh tại các địa phương.
Cùng ngày, hệ thống điều trị ghi nhận 587 bệnh nhân xuất viện, 210 bệnh nhân nhập viện và 6 bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, trong đó có 51 bệnh nhân chuyển tầng điều trị từ tầng điều trị cao xuống tầng điều trị thấp tương ứng với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.
Hiện 3 tầng đang điều trị cho khoảng 4.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 3.400 bệnh nhân có sức khỏe bình thường, hơn 1.000 có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, khó thở…), chỉ có khoảng hơn 300 bệnh nhân diễn tiến nặng suy hô hấp phải thở máy. Tích lũy toàn tỉnh đã có 229.626 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện.
Đến ngày 28/10, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 3.920.894 liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có hơn 2,3 triệu người tiêm mũi 1 và còn lại tiêm mũi 2. Dự kiến đầu tháng 11 tỉnh sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Long An: Đề xuất chuyển 300.000 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca hỗ trợ Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp
UBND tỉnh Long An vừa đề xuất Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chuyển vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp.
Theo quyết định số 1304/QĐ-VVSDTTƯ ngày 18/10/2021 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 67, 68, 69, Long An được phân bổ 350.000 liều AstraZeneca. Tuy nhiên, sau khi rà soát nhu cầu vaccine AstraZeneca thì Long An chỉ cần 50.000 liều.
Mới đây, 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp có văn bản đề nghị tỉnh Long An hỗ trợ vaccine AstraZeneca phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương với tổng số liều đề nghị là 300.000 liều (100.000 liều/tỉnh).
Do đó, UBND tỉnh Long An đề xuất Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thống nhất việc chuyển 300.000 liều AstraZeneca cho 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp.
Tính đến ngày 27/10, Long An có 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và trên 85% được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19.
Hiện, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Long An cơ bản được kiểm soát, công tác tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên cũng đang được khẩn trương thực hiện tiêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!