Bên cạnh bờ biển Tây, tình trạng sạt lở bờ biển Đông ở tỉnh Cà Mau đã và đang diễn ra ở mức báo động. Hàng loạt đoạn rừng phòng hộ mất trắng.
Tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại và đang gây ra thiệt hại rất lớn đến tài nguyên đất và rừng. Nhiều gia đình sống ven biển phải rơi vào cảnh mất nhà và tài sản tích góp hàng chục năm trời.
Cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từng là một làng chài đông đúc nhưng giờ đây chỉ còn lại những căn nhà trơ trọi. Vài năm trước, những ngôi nhà này vẫn còn nằm hoàn toàn trên đất liền. Nhưng giờ, để ra khỏi nhà, người dân phải di chuyển trên những cây cầu tạm bợ.
Sạt lở đã khiến nhiều người phải dời nhà đi nơi khác. Những người không có đất thì không còn cách nào khác là phải mạo hiểm ở lại. Có gia đình trong hơn 1 năm qua, không ai có thể ngủ ngon, đặc biệt là khi có thêm các thành viên nhỏ tuổi.
Toàn bộ hơn 100km chiều dài bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau hiện bị sạt lở đe doạ. Trong đó, 87km sạt lở ở mức độ nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là khu vực này chưa có đê như phía biển Tây nên sạt lở đe doạ đến cả các hạ tầng sâu bên trong đất liền, trong đó có đường Hồ Chí Minh.
Ứng phó với tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 13km kè tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Dù có chuyển biến tích cực nhưng năng lực phòng chống thiên tai của tỉnh Cà Mau còn hạn chế, khắc phục đoạn này, sạt lở lại diễn ra nghiêm trọng ở đoạn khác với tốc độ nhanh hơn. Trước mắt, tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp tại một số đoạn dọc bờ biển Đông.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thiệt hại do sạt lở bờ biển gây ra trên thực tế có thể còn lớn hơn so với thống kê. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong công tác tái định cư và tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng. Để công tác chống sạt lở phát huy hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đặc biệt là có được sự đồng lòng từ trung ương đến địa phương và người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!