Nhiều hộ dân ven các con sông, kênh rạch đang phải sống trong sự bất an khi nguy cơ sạt lở có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Tại An Giang, chỉ trong vòng 3 ngày đã liên tiếp xảy ra sạt lở tại các huyện Châu Phú, Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên.
Kênh 10 Châu Phú (An Giang) bị sạt lở 30m. Ảnh: TTXVN
Trước đó, ngày 27/6, An Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn An Giang đã xảy ra 44 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh rạch. So với cùng kỳ năm 2022, sạt lở tăng gấp 3 lần.
6 tháng đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 80 điểm sạt lở, làm mất hơn 2.400 m bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến 79 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 7 tỷ đồng. Tính về thiệt hại thì gấp 10 lần so cùng kỳ năm 2022.
Tại Sóc Trăng, những tháng đầu năm nay, tình hình sạt lở ở vùng hạ lưu sông Hậu xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp. Tỉnh Sóc Trăng đã phải tăng cường phòng, chống và tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức ứng phó với sạt lở. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN & PTNT xử lý khẩn cấp nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở nghiêm trọng tại chân cầu Bún Bà Của.
Trong 2 ngày qua, một vụ sạt lở nghiêm trọng tại chân cầu Bún Bà Của đang diễn biến phức tạp tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Trong tháng 6 vừa qua, Long An đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cần Giuộc và sông Vàm Cỏ Tây, huyện Thạnh Hóa trước thực trạng sạt lở đất nguy hiểm và đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực này.
Còn tính từ đầu năm đến nay, đã có 122 vụ sạt lở xảy ra hầu ra ở hầu khắp 13 tỉnh thành ĐBSCL, con số này lại càng cho thấy mức độ nghiêm trọng và phức tạp của thực trạng sạt lở.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở là việc khai thác cát sỏi lòng sông bãi sông không đúng quy định. Trong công điện ngày 1/7/2023 của Thủ tướng có yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi trên sông theo đúng quy định của pháp luật. Có thể nói, đây là một chỉ đạo rất kịp thời.
Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ là Bộ NN&PTNT xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở.
Hiện nay, các địa phương cũng rất tích cực lên các kế hoạch cụ thể với thực trạng sạt lở. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp căn cơ phải vừa ứng phó, phòng chống, lại vừa đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!