Trong tuần qua, tại bản Phung, Lào Cai, 3 học sinh dưới 6 tuổi đã thiệt mạng vì cổng trường bị đổ sập. Đây là sự việc vô cùng đau lòng.
Trụ cổng trường sập chỉ sau 3 ngày kiểm tra. Ảnh: TTXVN.
Giữa lưng chừng con dốc dẫn lên đồi, cổng của điểm trường bản Phung được xây dựng vào năm 2016 với nguồn kinh phí xã hội hóa. Chủ đầu tư công trình là UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết hồ sơ thi công được lập theo đúng quy định pháp luật. Còn vật liệu, kết cấu công trình thì được đơn vị này đánh giá là phù hợp với mức kinh phí có ở thời điểm đó.
Hiện trường được phong tỏa sau sự cố. Ảnh: TTXVN.
Tâm lý "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" nên việc lựa chọn kết cấu, vật liệu công trình để phù hợp với nguồn kinh phí xã hội hóa có được không phải là chuyện hiếm với nhiều hạng mục xây dựng ở các điểm trường vùng cao như điểm trường bản Phung.
Thậm chí, với các hạng mục xây tường bao, sân gạch… thì việc không có hồ sơ thi công, thiết kế hay đánh giá thẩm định chất lượng cũng là điều thường gặp.
Đáng nói, việc kiểm tra chất lượng sau quá trình sử dụng của những công trình này lại mới chủ yếu dừng ở việc quan sát hình thức với cả chính quyền địa phương và đơn vị thụ hưởng như công trình cổng trường bản Phung sau 5 năm sử dụng.
3 ngày sau cuộc kiểm tra không có gì bất thường của UBND xã Khánh Yên Thượng, cổng trường bản Phung đổ khiến 3 học sinh thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc vẫn sẽ phải chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Nhưng rõ ràng, trong nỗi đau không một ai mong muốn cũng là lúc buộc phải nhìn lại quy trình xây dựng, thẩm định chất lượng các hạng mục xã hội hóa trong trường học, khi việc co kéo cho đủ vừa kinh phí, có đảm bảo sự an toàn trường học sau những đổi thay về diện mạo?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!