Lục bình ở cánh đồng thôn Phương La không thể sống nổi vì nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng sông Tân Việt trước chảy qua các xã xung quanh giờ chỉ là dòng sông chết. Còn đất ruộng cũng trong tình trạng tương tự.
Người dân cho biết nguyên nhân bởi nước thải từ các cơ sở dệt nhuộm tại làng nghề Thái Phương xả thẳng ra môi trường. Lo ngại nước thải ô nhiễm từ các cơ sở dệt nhuộm, các xã xung quanh đã cho đắp đập ngăn sông vì thế, người dân Phương La vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm.
"Mùi nước thải cùng với mùi hóa chất bốc lên càng hôi thối. Khi xả thải, mặt nước nổi toàn bọt trắng" - ông Vũ Văn Mần, người dân thôn Phương La cho biết.
Nước thải dệt nhuộm xả thẳng ra môi trường.
Cách đây hơn 10 năm, xã có 6 cơ sở sản xuất và hộ gia đình chuyển sang làm sản xuất dệt nhuộm quy mô lớn nhưng chỉ có 3 cơ sở được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép đi vào hoạt động bởi đây là những ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một nhà máy xử lý nước thải cũng được xây dựng từ năm 2013 tuy nhiên sau hơn 7 năm xây dựng với kinh phí hơn 76 tỷ đồng, nhà máy vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Thực tế hiện nay, nếu đi vào vận hành, nhà máy này cũng chỉ xử lý được 1/3 nước thải từ các cơ sở của làng nghề. Giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này vẫn chưa có.
Làng nghề dệt nhuộm Thái Phương là 1 trong 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước nhưng nhiều năm qua vẫn không thể xứ lý được dứt điểm tình trạng này. Không biết đến bao giờ cuộc sống của những người nông dân này mới bớt khổ vì ô nhiễm môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!