Những năm gần đây, xu hướng streaming ngày càng thu hút sự chú ý của giới trẻ. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, người dùng dễ dàng để vừa chơi game, vừa nói chuyện, giao lưu với những người làm stream (còn gọi là streamer) cùng nhiều người chơi khác.
Theo công bố của Appota - nhà cung cấp các nền tảng trên thiết bị di động, năm vừa qua, người Việt nằm trong top đầu thế giới về khả năng tiêu thụ nội dung số, đặc biệt là xem stream trò chơi điện tử.
Theo đó, người Việt dành trung bình hơn 400.000 giờ/ngày để xem livestream trò chơi điện tử, 2 giờ 31 phút là thời gian trung bình xem live stream và video của mỗi người Việt. Trong đó 61% thời lượng xem đến từ thiết bị di động. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn không hề nhỏ của loại hình nội dung số này trong việc giải trí hàng ngày của nhiều người Việt. Đồng nghĩa với việc tầm ảnh hưởng của các video stream hay các streamer tới cộng đồng là rất lớn.
Các streamer có thể coi như các bình luận viên game, mang đến sức hút cho các video stream này. Ngoài những bình luận, đánh giá về nhiều tựa game, những câu chuyện đời sống ngoài lề, qua cách thể hiện duyên dáng cũng giúp cho người xem có những giây phút giải trí.
Những câu chuyện thường được thể hiện một cách gần gũi, thế nhưng khi không được kiểm soát, ngôn từ của những câu chuyện này có thể vượt quá ngưỡng "tự do ngôn luận". Để rồi hàng loạt các video stream, với ngôn từ tục tĩu, chửi thề, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớn tới trẻ vị thành niên - đối tượng chiếm phần lớn khán giả các video stream.
“Mỗi hành vi của cá nhân trong xã hội đều có thể ảnh hưởng đến những người khác. Nếu hàng ngày họ xem những video kiểu như này thì tôi tin ngôn ngữ của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó làm không khí xã hội bị ảnh hưởng, bị vấy bẩn” - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết.
Khó khăn trong quản lý nội dung video stream
Theo báo cáo do hãng Microsoft công bố đầu năm 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất trong không gian mạng. Để những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục bị phát tán tràn lan, việc quản lý nội dung là vô cùng cần thiết.
Thế nhưng, có rất nhiều khó khăn trong việc kiểm duyệt nội dung video stream khi mỗi ngày khối lượng lớn video vẫn được đăng tải lên mạng xã hội từng giây, từng phút. Điều này một phần ảnh hưởng tới công tác xử lý theo luật pháp đối với những sản phẩm có nội dung tiêu cực.
Theo luật sư, mức xử phạt như hiện nay vẫn còn nhẹ, cần phải có những chế tài mạnh hơn để hạn chế vi phạm trên môi trường mạng
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: "Các hành vi văng tục, chửi bậy, xúc phạm, thậm chí là chửi bới lẫn nhau trên MXH rất phổ biến và đây là hành vi vi phạm pháp luật, với mức xử phạt là từ 10-20 triệu đồng. Đặc biệt đối với các hành vi mang tính chất thường xuyên tái phạm liên tục thì chúng ta cần có những mức phạt cao để tăng cường tính răn đe".
Các mạng xã hội xuyên biên giới như Youtube hay Facebook hiện đang áp dụng các cam kết quốc tế, các tổ chức cũng thường xuyên có những chiếc dịch lớn để chống tin giả, tin vi phạm thuần phong mĩ tục. Tại Việt Nam, việc rà soát và quản lý nội dung video trên Internet được nhiều cơ quan trong nước cùng chung tay thực hiện, thế nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định.
Mạng xã hội là một môi trường mở và quá rộng lớn đến nỗi khó tránh khỏi có những lỗ hổng. Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, những lỗ hổng này cần được vá lại để môi trường mạng trở nên toàn diện hơn.
Trước những khó khăn luật pháp còn tồn tại trong việc quản lý nội dung streaming, không chỉ chính các khán giả trẻ, phụ huynh cần có sự thay đổi tư duy khi tiếp cận nội dung, cần nhiều hơn để góp phần xây dựng môi trường streaming lành mạnh. Để hình thức stream giữ được tính giải trí một cách văn minh và xa hơn là để xã hội có nhìn nhận khác về streaming và công việc của các streamer.
Để môi trường stream lành mạnh hơn
Những tiêu cực trong stream game đã khiến nhiều người có định kiến với hình thức giải trí này. Streamer được cho chỉ là ngồi chơi game và nói chuyện phiếm, thậm chí không được coi là một nghề. Để thay đổi những định kiến ấy và khiến môi trường stream trở nên lành mạnh hơn cần sự góp sức từ rất nhiều người.
Anh Phạm Hoàng Huy - Giám đốc MeTUB Network Khu vực miền Bắc cho rằng: "Trong đó có cả người xem, xã hội, nhãn hàng và người đầu tư. Nhất là các streamer vì họ sẽ làm theo những gì người khác yêu cầu, xã hội yêu cầu".
Thực tế, đã có những streamer có sự thay đổi khi nghiêm túc hơn với công việc của mình. PewPew - tên thật là Hoàng Văn Khoa - là một trong những streamer đầu tiên của Việt Nam. Khán giả có lẽ đã quen với những video của anh được cắt lại. Nhiều trong số đó từng có rất nhiều từ ngữ không phù hợp.
Thay đổi nội dung, để không chỉ mang lại sự giải trí gần gũi tới các bạn trẻ mà còn là những kinh nghiệm trong cuộc sống là cách PewPew đang khiến nội dung video của mình có ý nghĩa hơn. Đó cũng là khi một động lực khác khiến PewPew thay đổi nhận thức là khi anh muốn nghề streamer được ghi nhận bởi xã hội, để các bạn trẻ có đam mê theo đuổi nghề này.
Anh Hoàng Văn Khoa - Streamer PewPew cho hay: "Nó là một bài toán đánh đổi. Mình muốn được là chính mình rồi xã hội cứ nhìn mình thế này? Hay mình phải lùi lại một chút để xã hội chấp nhận mình hơn? Mình muốn có được ghi nhận, muốn có tương lai tốt cho nghề thì mình phải thay đổi. Ở đây không phải thay đổi bản thân, mà thay đổi cho tốt hơn, cho phù hợp hơn".
Một bước lùi lại, để có những bước đi tương lai cho nghề streamer. Với hơn 3,5 triệu người theo dõi trên Youtube, những video stream của PewPew đến nay vẫn nhận được hàng trăm ngàn lượt xem. Đó là minh chứng khi những video stream trở nên lành mạnh hơn sẽ vẫn được chào đón bởi khán giả. Bởi những giá trị cốt lõi, là những bài học nhân văn, ý nghĩa mới là điều quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!