Hơi ấm của tình người, của sự tử tế lan tỏa, là nguồn động lực giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có một năm học mới thêm trọn vẹn và ý nghĩa bằng những hành động, những dự án thiết thực nhất…
Chưa đầy 1 tháng nữa năm học mới 2023 - 2024 sẽ bắt đầu. Những ngày tháng 8 này, một nửa các sĩ tử đã có trên tay giấy báo nhập học Đại học với sự háo hức cho hành trình mới. Phân nửa còn lại đang chờ đợi kết quả cho chặng đường sắp tới với nguyện vọng 2. Thế nhưng, trong số một nửa các em học sinh biết mình đỗ đại học ấy, lại có không ít em chẳng dám vui trước tin vui.
Có một thực tế là rất nhiều trong số các sinh viên đỗ thủ khoa hoặc đỗ điểm cao của các trường Đại học, Cao đẳng là thí sinh thuộc các khu vực 2, khu vực 3 nông thôn. Trong đó nhiều em học giỏi, điểm cao, nhưng hoàn cảnh gia đình lại không cho phép các em được đi theo con đường học tập. Và giữa những khó khăn, vất vả ấy, hơi ấm của sự tử tế được lan tỏa, đã làm trọn vẹn niềm vui của các em học sinh nghèo, để một năm học mới được thực sự mang tới những háo hức, quyết tâm.
Cả làng góp tiền giúp nam sinh nghèo vào đại học
Một gia đình nông dân nghèo nuôi 3 con ăn học. Năm nay cháu lớn đã thi vào đại học đạt gần 28 điểm. Sau khi gieo cấy xong vụ hè thu năm 2023, người mẹ đổ bệnh u não rơi vào tình trạng hôn mê kéo dài. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn và chi phí điều trị tốn kém. Khả năng cháu lớn sẽ mất cơ hội vào đại học và 2 em nhỏ bị thất học. Việc giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn là nét đẹp đầy nhân văn có từ bao đời nay... Đây là lời kêu gọi trên facebook của một người dân tại thôn Thượng Tứ, xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh để giúp đỡ cho em Bùi Đình Thắng có cơ hội được đến trường sau khi đỗ đại học vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Em Bùi Đình Thắng đạt 27,75 điểm khối C00. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
100 triệu là số tiền được người dân trong làng và cộng đồng quyên góp được để Thắng được tiếp tục ước mơ đại học. Năm học này với Thắng sẽ đặc biệt, vì nó mang theo niềm tin và tình thân của bà con lối xóm.
Cụ bà 80 tuổi nuôi cơm, gạo giúp trò nghèo
Tình thân - hai tiếng dường như chỉ dành cho những người ruột thịt, nhưng lại có những người vốn chẳng máu mủ ruột rà vẫn sẵn sàng cưu mang nhau. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có một người phụ nữ được coi như "bà tiên" của học trò nghèo. 30 năm qua, bà lo từng bữa cơm, bao gạo giúp các em, để các em yên tâm tới trường.
Quan tâm đến từng hoàn cảnh của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chạy vạy lo cho các em từng khoản chữa bệnh, rồi lo cho các em từng bịch cơm hàng ngày, túi gạo hàng tháng. Đó là việc mà cụ bà đã 80 tuổi này vẫn làm suốt gần 30 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Phương - Bếp ăn từ thiện tại số 19 Rạch Bùng Binh, phường 10, quận 3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Xuất phát của tôi cũng là trẻ mồ côi. Trước kia tôi được nhà nước cho ra miền Bắc ăn học thời kháng chiến chống Mỹ, giờ mình phải đáp lại công ơn ấy".
Bà Phương sáng lập ra bếp ăn này năm 1994, lo cho các cháu được đi học. 30 năm nay rồi, trẻ em ở phường này và các phường khác lân cận lên đến trên 100 em. Trong số những em học sinh được bà Phương giúp đỡ, có nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Từ những gói cơm canh, bịch gạo của bà Phương, biết bao em học sinh, sinh viên đã trưởng thành, có hành trang tri thức vững chắc để bước vào đời. Những người ngày trước được hỗ trợ như vậy, sau một thời gian họ lại quay lại giúp bếp ăn. Người có sức giúp sức, người có tiền giúp tiền, chung tay giúp những hoàn cảnh khó khăn.
"Được học" - Dự án hỗ trợ laptop cho sinh viên dân tộc thiểu số
Bước vào cánh cổng trường đại học, những trang thiết bị học tập cũng vô cùng quan trọng. Với nhiều người, chiếc máy tính cũ dường như không còn giá trị, nhưng đối với các bạn sinh viên dân tộc thiểu số mới xuống Hà Nội học thì đó có thể là cơ hội mới mang đến tương lai mới. Chính vì thế, dự án "Được học" ra đời và ngày càng được nhân rộng bởi chính các bạn sinh viên dân tộc thiểu số, giúp các bạn tân sinh viên có điều kiện học tập đầy đủ và tốt hơn.
Một người tặng laptop, một người đỡ đầu tiền sửa chữa nâng cấp laptop xuyên suốt thời gian học, một học sinh dân tộc thiểu số được nhận... Người cho, sửa chữa và người nhận đều biết nhau rõ ràng. Đó chính là điểm đặc biệt của dự án "Được học" - hỗ trợ laptop cho sinh viên dân tộc thiểu số.
Gia đình khó khăn nên việc học đối với em Mùa Thị Mai (Sơn La) còn phải cân nhắc huống chi nói đến việc mua máy tính phục vụ học tập. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, dự án "Được học" đã giúp Mai và nhiều sinh việc khác tự tin hơn trong học tập.
Ngoài laptop cũ, "Được học" còn kêu gọi các khóa học miễn phí: khóa học Tiếng Anh, giao tiếp, tin học văn phòng, kỹ năng mềm... cho sinh viên đã nhận máy để bổ trợ thêm kỹ năng, kiến thức cũng như tăng hiệu quả trong quá trình sử dụng máy.
Năm học mới sắp bắt đầu, với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau, dự án "Được học" sẽ vẫn tiếp tục trao đi những chiếc máy tính, mang lại cơ hội học tập cho nhiều tân sinh viên dân tộc còn khó khăn để các em sẵn sàng trước ngưỡng cửa đại học.
Bộ Giáo dục & Đào tạo không tăng học phí trong năm học mới
Theo Thông báo số 300/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc không tăng học phí, bước đầu, các trường đại học đã có thông báo điều chỉnh học phí theo chỉ đạo này.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với sinh viên. Mức học phí dao động từ 1.200.000 - 1.450.000 đồng/tháng thay vì mức 1.410.000 - 1.640.000 đồng/ tháng như trong đề án trước đó.
Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đã kí thông báo không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Giữ nguyên chương trình đào tạo chuẩn 354.000 đồng/tín chỉ thay vì 530.000 đồng/tín trong đề án tuyển sinh năm 2023 trước đó.
Học viện Phụ nữ Việt Nam, trường Đại học Thương mại cũng giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Quyết định này góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với sinh viên và phụ huynh; giải tỏa áp lực về kinh tế, giúp các em thuận lợi hơn trước ngưỡng cửa bước vào đại học.
Mái nhà chung của hàng trăm sinh viên nghèo vượt khó
Được lo thực phẩm, hỗ trợ máy tính, giảm học phí… rất nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên nghèo đã được thực hiện có hiệu quả. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có 1 ngôi nhà đặc biệt dành cho hàng trăm sinh viên nghèo vượt khó cũng được duy trì nhiều năm qua. Được đầu tư xây dựng gần 40 tỉ đồng, cùng với khoảng 15 tỉ đồng mỗi năm để duy trì hoạt động, 7 năm qua, ký túc xá (KTX) Cỏ May đã tiếp bước cho khoảng 1.000 sinh viên nghèo học giỏi đến trường.
Nằm giữa khuôn viên khu đô thị Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Một KTX có diện tích rộng hơn 4000 m2. KTX có 54 phòng hiện đại, cho hơn 400 sinh viên ăn ở. Tất cả đều miễn phí!
KTX Cỏ May được ông Lâm Văn Bên lập nên với mục đích tiếp sức sinh viên nghèo học giỏi. Các em vào đây đều có điểm số đậu đại học trên 21 điểm, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, làm sao để cho các em có thể học được đại học.
KTX khang trang và hiện đại với đầy đủ trang thiết bị, từ phòng chơi năng khiếu, tập gym, đến các hoạt động thể thao. Nơi ở của các bạn sinh viên, mỗi phòng 8 giường và cũng từng ấy không gian học tập tiện nghi.
KTX đầy đủ trang thiết bị, từ phòng chơi năng khiếu, tập gym, đến các hoạt động thể thao...
Hồ sơ sinh viên khó khăn ở KTX ngày càng nhiều, nhưng cô Nhung đều nhớ rõ từng hoàn cảnh một. Cơn mưa giữa đêm, nhưng mái nhà Cỏ May không hề lạnh, bởi sự ấm áp của yêu thương, và còn của cả và tinh thần học tập nhiệt huyết của các bạn sinh viên nghèo, dù bất kể ở đâu.
Tiêu điểm của Chuyển động 24h trưa nay mới chỉ kể được 1 vài trong số rất nhiều những sự giúp đỡ, chung tay của cả xã hội hướng tới những học trò nghèo. Cùng với nghị lực vượt khó vươn lên của các em, sự chung sức của toàn xã hội, những sinh viên nghèo chắc chắn sẽ không bị bỏ lại phía sau. Mỗi cá nhân, cộng đồng cùng chung tay xây dựng một xã hội học tập, nơi mà mọi người đều có cơ hội được tiếp thu tri thức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!