Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 10 tới giờ tại miền Trung đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và mất tích. Thiếu lương thực, thực phẩm, thậm chí thiếu một mái nhà để ở chỉ là câu chuyện khó khăn trước mắt nhưng thiếu công cụ sản xuất, con giống, vật nuôi mới chính là khó khăn cốt yếu cần được xử lý kịp thời bởi khi mà người dân đã hoàn toàn mất đi tư liệu sản xuất, thì không thể tái thiết cuộc sống.
Căn nhà tan hoang sau mưa lũ.
Căn nhà liêu xiêu sau những đợt bão lũ nối tiếp nhau, đợt mưa lũ vừa qua đã cướp đi của gia đình chị Liên nhiều thứ, trong đó có 3 con bò - tài sản lớn nhất của gia đình chị. Những ấp ủ khi bán bò sẽ có tiền cho con cái ăn học, chăm sóc thuốc than cho người chồng nằm liệt giường suốt nhiều năm nay vì tai nạn lao động, bỗng chốc tan biến.
Còn đối với gia đình bà Quế, toàn bộ tài sản, trâu bò, lợn gà, thóc giống đều bị nước lũ cướp đi tất cả. Vốn quen tay chân với công việc chăm sóc lợn gà mỗi ngày nhưng bây giờ bà đã thất nghiệp ngay chính trong căn nhà của mình. Từ một cuộc sống ổn định, bây giờ, bà có nguy cơ tiệm cận với hộ nghèo khi mọi nguồn thu nhập trong gia đình đều biến mất.
Bà Quế bên những chiếc chuồng trống sau lũ.
Trong đợt lũ vừa qua, Cẩm Xuyên là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh. 11 tấn lúa giống đã bị ngâm trong lũ, chưa đến vụ gieo trồng mà lúa đã nảy mầm. 500 con trâu bò, 7.000 con lợn, 400 nghìn con gia cầm bị chết do nước lũ cuốn trôi. Tổng thiệt hại lên đến 1.700 tỷ đồng. Thiệt hại càng lớn đồng nghĩa nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay, mất đi sinh kế.
Người dân miền Trung thường nói còn người thì còn của. Nhưng hiện tại bà con đang rất cần công cụ sản xuất, cây giống, vật nuôi để tái thiết lại cuộc sống, vực dậy kinh tế sau lũ. Bởi nếu không được hỗ trợ kịp thời rất có thể hàng nghìn hộ nông dân sẽ rơi vào cảnh tái nghèo sau lũ, trẻ em không thể đến trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!