Chiều 28/6/2022, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức Hội nghị "Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện và bền vững đến năm 2030.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh thị trường Halal toàn cầu giàu tiềm năng, đang phát triển nhanh với nhiều lĩnh vực; khẳng định Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các FTA thế hệ mới; khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn. Nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế. Từ đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Hội nghị tập trung vào đối thoại chính sách; hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến; trao đổi, cung cấp các thông tin thị hiếu, thị trường Halal… hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường Halal toàn cầu, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu được chế biến từ thủy sản, nông sản (thực vật), chưa có điều kiện để chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chế biến từ động vật. Nhiều lĩnh vực như dược, mỹ phẩm, du lịch... Halal còn chưa được quan tâm khai thác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu
Theo các địa phương và doanh nghiệp, nhất là Thanh Hóa, Bắc Giang khó khăn đối với sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal, đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao. Hiện ta chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng đối với sản phẩm Halal và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng... Điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường. Nhiều sản phẩm của địa phương Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng chưa có chứng nhận Halal. Hơn nữa, đối với tổ chức chứng nhận Halal, lãnh đạo và các chuyên gia đánh giá phải theo đạo Hồi... trong khi nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí này còn rất hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã chỉ ra một số vấn đề Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển thị trường Halal; chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal; khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu và đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal như: Thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.
Nhiều đại biểu, nhất là các doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những ý kiến đóng góp thực chất và tâm huyết của các diễn giả, đại biểu tham dự Hội nghị; cho rằng đây là những chia sẻ, đề xuất thiết thực đối với Việt Nam trong việc xây dựng định hướng phát triển toàn diện ngành Halal đến năm 2030; khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, nhằm tạo thêm động lực mới cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!