Thế hệ trẻ - Động lực quyết định để Việt Nam bứt phá

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 26/03/2025 12:02 GMT+7

Tự động phát sau
2
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Trước những thách thức trong việc nâng cao năng suất lao động, việc đầu tư vào con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, được coi là giải pháp chiến lược.

Trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của thanh niên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đồng thời đưa ra định hướng chiến lược về phát triển con người đến năm 2045. Trong đó, việc bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ được xác định là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo dựng một thế hệ vươn mình mạnh mẽ.

Thế hệ trẻ - Động lực quyết định để Việt Nam bứt phá - Ảnh 1.

Việc bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ được xác định là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo dựng một thế hệ vươn mình mạnh mẽ.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra những thách thức lớn, tập trung vào hai nhóm vấn đề: thể lực và trí lực của thanh niên Việt Nam trong 20 năm tới. Về thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam vào những năm 2020 là khoảng 1m68, còn nữ giới chỉ đạt 1m56 – thấp hơn so với Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuổi thọ trung bình của người Việt là 74,5 năm, kém từ 5 – 10 năm so với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức. Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam vẫn ở mức 19,6%, cao hơn nhiều so với các nước phát triển, gây ảnh hưởng lâu dài đến thể chất của thế hệ trẻ

Năng suất lao động quốc gia là một thước đo quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động kinh tế, được tính bằng cách lấy tổng GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam xếp hạng 117 trên tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ được thống kê. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam (tính theo ngang giá sức mua) đạt khoảng 2.400 USD. Đây là mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam hiện gần tương đương với Philippines, nhưng vẫn còn kém xa so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công, chỉ rõ: "Ba nguyên nhân lớn dẫn tới năng suất lao động còn thấp: Thứ nhất, Việt Nam đang nằm ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực năng suất thấp (như nông nghiệp) sang các ngành năng suất cao còn chậm. Hiện, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm gần 27%. Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chỉ khoảng 28% lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, thị trường lao động phi chính thức chiếm tới 64,6%, kéo năng suất chung đi xuống. Đặc biệt, mất cân đối giữa cung – cầu lao động theo trình độ và kỹ năng đang tạo ra nghịch lý: thiếu hụt lao động kỹ thuật cao trong khi nhiều người học lại không tìm được việc phù hợp".

Thế hệ trẻ - Động lực quyết định để Việt Nam bứt phá - Ảnh 2.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích dự báo chiến lược và dịch vụ công, cho biết những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp.

Câu chuyện "thừa và thiếu" cũng thể hiện rõ trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may và da giày của nước ta. Mặc dù năng suất lao động đã được cải thiện so với những năm trước, nhưng nghịch lý là sản lượng sản xuất rất lớn, người lao động thường xuyên phải làm việc với cường độ cao. Thế nhưng, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động lại không tương xứng, vẫn ở mức thấp.

Theo TS. Phạm Ngọc Toàn cho biết, tỷ lệ thanh thiếu niên theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) – những ngành nền tảng tạo giá trị gia tăng ở nước ta chỉ khoảng 27–30%, trong khi ở Hàn Quốc hay Malaysia là trên 50%. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu hụt nền tảng khoa học cơ bản, dẫn đến hạn chế về kỹ năng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số.

"Để cải thiện tình hình này, không còn cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý và đặc biệt là nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm nâng cao năng suất cả về chất và lượng", TS. Phạm Ngọc Toàn nhận định.

TS. Phạm Ngọc Toàn cho rằng, để tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ. Một số địa phương như Đà Nẵng đã thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kèm chính sách ưu đãi về thuế và tài chính. Cần nhân rộng các mô hình này để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao, từ đó tạo cầu, kéo theo cung lao động chất lượng cao.

Thế hệ trẻ - Động lực quyết định để Việt Nam bứt phá - Ảnh 3.

Dù năng suất lao động đã cải thiện so với trước, người lao động vẫn phải làm việc với cường độ cao, nhưng thu nhập và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng.

"Phát triển nhân lực phải toàn diện, không chỉ về trí lực mà còn cả thể lực và tâm lực. Tình trạng thừa cân, béo phì, hay khủng hoảng tâm lý trong giới trẻ cần được quan tâm đúng mức, thông qua các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe học đường và hỗ trợ tâm lý học sinh, sinh viên", TS. Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2036. Đây là giai đoạn mà số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 65 tuổi). Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 11 năm nữa, đến năm 2036, tỷ lệ người cao tuổi dự kiến sẽ đạt ngưỡng 20%, đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già. Khi đó, tỷ lệ người lao động giảm, trong khi số người phụ thuộc tăng, dẫn đến gánh nặng tài chính lớn hơn cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Cũng theo TS. Phạm Ngọc Toàn, hiện nay, trong thời kỳ dân số vàng, ngoài việc quan tâm đến quy mô, cần chú trọng đến chất lượng dân số. Cụ thể là năng suất lao động thực tế của người trong độ tuổi lao động, mức độ tiêu dùng và khả năng tiết kiệm của họ, vì đây là nguồn lực để chăm sóc trẻ em và người già trong tương lai. Khi quy mô lực lượng lao động giảm, giải pháp duy nhất là tăng năng suất lao động, đặc biệt là năng suất ở cấp độ cá nhân. Mỗi người lao động cần được nâng cao kỹ năng, trình độ để tạo ra giá trị cao hơn trong bối cảnh dân số già hóa.

Thế hệ trẻ - Động lực quyết định để Việt Nam bứt phá - Ảnh 4.

Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào năm 2036. Sau mốc này, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 20% dân số, đưa Việt Nam vào giai đoạn dân số già và làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động.

"Thanh niên có lợi thế về sự nhanh nhạy, khả năng tiếp cận công nghệ và là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Do đó, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù để phát huy tiềm năng này. Về giáo dục – đào tạo, cần định hướng rõ ràng từ sớm và có chính sách hỗ trợ học tập, đặc biệt cho những ngành mũi nhọn như STEM. Việc kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động cũng cần được đẩy mạnh để tạo cơ hội việc làm rõ ràng cho người học. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giúp thanh niên nhận thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội và định hướng phát triển bản thân trong bối cảnh thông tin đa chiều. Cuối cùng, công tác dự báo thị trường lao động đóng vai trò then chốt, giúp thanh niên nhận diện rõ cơ hội nghề nghiệp, từ đó đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực", TS. Phạm Ngọc Toàn đề xuất.

Chỉ còn 20 năm nữa là đến năm 2045 – cột mốc quan trọng đánh dấu khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hưng thịnh. Những em bé chào đời từ nay đến thời điểm đó chính là lực lượng thanh thiếu niên nòng cốt, là chủ nhân tương lai của đất nước.

Để hiện thực hóa tầm nhìn 2045, đầu tư vào con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần được xác định là ưu tiên chiến lược. Việc nâng cao năng suất lao động phải bắt đầu từ giáo dục, nơi hun đúc trí tuệ, tri thức và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, các chính sách thu hút nhân tài trẻ từ nước ngoài trở về cũng sẽ là yếu tố then chốt trong việc xây dựng đội ngũ tinh hoa, lực lượng đủ sức đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước