Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường công việc đã bắt đầu nóng lên, người lao động cũng đã ở tâm thế sẵn sàng cho công việc cũng như tìm kiếm việc làm.
Được biết, tại các địa điểm thường tập trung lao động tự do chờ việc làm, như: Khu vực cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng); ngã tư đường Bưởi (Cầu Giấy); cầu Đen (quận Hà Đông); chợ Long Biên (quận Ba Đình)… nhộn nhịp người lao động. Tại các app hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nhiều nhà tuyển dụng nhận được rất nhiều đơn xin việc online. Không chỉ công việc văn phòng, các thị trường công việc khác như dọn dẹp vệ sinh cũng sôi động hơn.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, hiện trang thông tin của trung tâm thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị, doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng và có hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển. Số người đến ứng tuyển, số doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp tại các sàn giao dịch việc làm cũng sôi động hơn cùng kỳ năm 2020.
Để kết nối người lao động với thị trường việc làm đạt hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương kích hoạt 100% điểm, sàn giao dịch việc làm ngay trong ngày làm việc đầu tiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu (bắt đầu từ ngày 17/2). Hoạt động tư vấn, kết nối về cung - cầu lao động tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng định hướng cho các địa phương khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Các cấp công đoàn thành phố cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đến mọi mặt đời sống của người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công việc. Còn các doanh nghiệp chủ động giữ chân người lao động bằng chính sách tiền lương, thưởng phù hợp. Tuy nhiên, dù thị trường việc làm tại Việt Nam cũng như Hà Nội đang có dấu hiệu tích cực, nhưng cũng cần đòi hỏi các bên liên quan cần quan tâm nâng cao chất lượng việc làm, bảo đảm sự ổn định của những việc làm hiện có; đồng thời, tạo ra những việc làm mới cho người lao động.
Bước vào năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bên tiếp tục có giải pháp đưa họ sớm trở lại thị trường. Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, toàn thành phố phấn đấu tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người trong năm 2021, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!